Theo báo cáo từ iPrice về bức tranh toàn cảnh của Thương Mại Điện Tử (TMĐT) Đông Nam Á (DNA), TMĐT Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và chuyển hướng qua thiết bị di động (Smartphone). Cụ thể, trong năm 2017, khách hàng truy cập website TMĐT đến từ thiết bị di động chiếm tới 72%.
Hôm nay, 8/2/2018, Cổng thương mại điện tử iPrice đã công bố “Bức tranh thương mại điện tử Đông Nam Á năm 2017”. Báo cáo là kết quả nghiên cứu, khảo sát được thực hiện dựa trên hệ thống dữ liệu của iPrice từ 1.000 doanh nghiệp thương mại điện tử khác nhau hoạt động trên 6 quốc gia Đông Nam Á gồm Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Thị trường thương mại điện tử Việt nắm bắt hầu hết xu thế khu vực
Báo cáo “Bức tranh thương mại điện tử Đông Nam Á 2017” được iPrice thực hiện với mục tiêu chia sẻ những số liệu quan trọng của ngành thương mại điện tử từ chính những góc nhìn của hàng ngàn doanh nghiệp thương mại điện tử tại Đông Nam Á cũng như phân biệt rõ sự khác biệt cũng như những điểm tương đồng của từng thị trường.
iPrice cho hay, năm 2017 là một năm quan trọng của ngành thương mại điện tử tại thị trường Đông Nam Á, với tổng giá trị giao dịch của những mặt hàng giao dịch lần đầu vượt qua 10 tỷ USD, vượt xa con số 5,5 tỷ USD của năm 2015; và lãi gộp hằng năm vượt trên 41% chỉ trong vòng vài năm trở lại đây, theo báo cáo Google-Temasek’s eConomy SEA Spotlight 2017 report.
72% lượng truy cập website thương mại điện tử Việt Nam đến từ di động
Bên cạnh những sự kiện nổi bật khác, thị trường thương mại điện tử của Đông Nam Á năm 2017 cũng chứng kiến bước ngoặt lớn của Amazon khi quyết định “đặt chân” vào thị trường Đông Nam Á, sự tăng trưởng nhanh của Shopee như một platform di động đầu tiên, Lazada đạt kỷ lục tăng trưởng - 250 triệu doanh thu với chiến dịch cách mạng mua sắm, bên cạnh đối thủ Trung Quốc đáng gờm Alibaba và Tencent, trong cuộc chiến vương quyền tại Đông Nam Á.
iPrice nhận định: “Đằng sau những sự kiện lớn về nỗ lực và đầu tư cho thị trường thương mại điện tử đến từ những “gã khổng lồ”, còn có hàng ngàn những doanh nghiệp thương mại điện tử khác đang dần tiến vào thị trường để càng làm cho “miếng bánh” thương mại điện tử trở nên đa dạng hơn trong hình dáng cũng như kích thước, hoạt động tại nhiều khu vực trên nhiều điều kiện thị trường khác nhau”.
Đánh giá về những điểm nổi bật giữa thị trường thương mại điện tử Việt Nam so với các nước Đông Nam Á báo cáo của iPrice cho hay, năm 2017 thương mại điện tử Việt Nam chào đón Alibaba thông qua ứng dụng thanh toán AliPay, ứng dụng di động mua sắm trực tuyến Shopee và các thành viên của “gia đình” Thế Giới Di Động như Bách Hóa Xanh, VuiVui. Những dấu hiệu phát triển tích cực về thị trường thương mại điện tử Việt Nam như người dùng bắt đầu có thói quen mua sắm trực tuyến qua thiết bị di động nhiều hơn, doanh nghiệp áp dụng nhiều hình thức thanh toán tiện lợi hơn cho người dùng. “Việt Nam đang tham gia “cuộc chơi” thương mại điện tử với phong độ tốt, nắm bắt hầu hết các xu thế của khu vực”, iPrice nhấn mạnh.
Tăng trưởng mua sắm trực tuyến qua thiết bị di động
Theo iPrice, tổng lượng truy cập mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động tại Việt Nam có mức tăng tưởng ấn tượng, ở mức 26% trong năm 2017.
72% lượng truy cập website thương mại điện tử Việt Nam đến từ di động
(Biểu đồ tăng trưởng lượng truy cập các website thương mại điện tử tại 6 thị trường khu vực Đông Nam Á trong năm 2017 (Nguồn: iPrice))
Mặc dù nhiều thống kê và báo cáo cũng cho thấy tăng trưởng người dùng Internet mua sắm trực tuyến tại Việt Nam tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn thấp hơn các nước Đông Nam Á khác. Cụ thể, có tới 90% người dùng Internet tại Indonesia mua sắm trực tuyến thông qua thiết bị di động, cao nhất Đông Nam Á. Trong khi, con số này tại Việt Nam là 70%, thấp nhất trong 6 nước khu vực Đông Nam Á được khảo sát.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý, hầu hết người dùng Internet tại Đông Nam Á sử dụng điện thoại thông minh để xem thông tin hàng hoá, nhưng họ vẫn sử dụng laptop hoặc máy tính bàn để tiến hành các bước thanh toán trực tuyến.
COD vẫn là hình thức thanh toán chủ yếu tại Việt Nam
Theo nghiên cứu của iPrice, hình thức thanh toán khi nhận hàng COD đã trở thành hình thức thanh toán quan trọng với thương mại điện tử. Tại Đông Nam Á, trung bình có 47% doanh nghiệp áp dụng hình thức COD. Trong đó, Việt Nam có đến hơn 80% doanh nghiệp hỗ trợ phương thức thanh toán COD, tương đương với Philippines. Trong khi tại Singapore và Malaysia chỉ 20% doanh nghiệp hỗ trợ hình thức thanh toán này.
Phương thức thanh toán trả góp và Giao dịch tại điểm bán tại Việt Nam cao nhất so với các quốc gia Đông Nam Á, lần lượt có con số 49% và 47%. Hình thức thanh toán trả góp dần trở nên phổ biến và có chiều hướng tăng dần tại Việt Nam với 47% tổng số doanh nghiệp và tại Indonesia là 42%.
“Lý giải cho việc này, đa phần doanh nghiệp thương mại điện tử Việt Nam thuộc mảng điện thoại, điện máy gia dụng sở hữu hệ thống bán lẻ trên toàn quốc như Thế Giới Di Động, Điện Máy Xanh hay FPT Shop. Tất cả đều có chính sách mua hàng trả góp trong vòng một năm và họ áp dụng hình thức này cho cả khách hàng mua sắm trực tuyến”, iPrice cho hay.
Báo cáo của Cổng thương mại điện tử iPrice cũng cho thấy, hầu hết các quốc gia Đông Nam Á được khảo sát, đơn cử như Thái Lan, Indonesia đều có xuất phát điểm con số thanh toán COD phổ biến trước khi họ đạt được mức trên 90% đơn hàng được thanh toán qua thẻ tín dụng. Bên cạnh đó, các hình thức thanh toán chuyển khoản ngân hàng là một trong những phương thức phổ biến khác tại khu vực Đông Nam Á, với 94%, 86% và 79% doanh nghiệp tại Indonesia, Việt Nam và Thái Lan đang thực hiện phương thức này. Tại Thái Lan và Việt Nam, hiện nay đang có gần 50% số doanh nghiệp đem đến mô hình “Thanh toán tại điểm bán - POS”.
Các con số trong báo cáo của iPrice còn cho thấy, Việt Nam đứng đầu tỷ lệ chuyển đổi từ lượng truy cập sang mua sắm cao nhất Đông Nam Á. Các trang mua sắm trực tuyến Việt Nam đang dẫn đầu với tỷ lệ chuyển đổi cao hơn 65% so với các trang mua sắm trực tuyến Philippines. Singapore có tỷ lệ chuyển đổi cao thứ hai, tiếp đó là Indonesia.
Tuy nhiên, báo cáo “Bức tranh thương mại điện tử Đông Nam Á 2017” do iPrice thực hiện cũng chỉ ra rằng, trong 6 nước khu vực Đông Nam Á được khảo sát, Việt Nam là nước có giá trị giỏ hàng (basket size) thấp nhất, với 23 USD; trong khi giá trị này của Philippines là 56 USD; Malaysia là 54 USD; Thái Lan là 42 USD, Indonesia là 36 USD và nước có giá trị giỏ hàng cao nhất là Singapore với 91 USD.
Theo iPrice, giá trị giỏ hàng là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Con số này thể hiện giá trị trung bình của đơn hàng trong một khoảng thời gian nhất định. Giá trị giỏ hàng được tính dựa trên những chỉ số khác nhau bao gồm vị trí của từng doanh nghiệp trên thị trường và theo chỉ số GDP của từng quốc gia.
Nguồn: ICTNews