Thống kê từ Bộ Công Thương mới đây cho biết các doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam đang tăng khoảng 25%. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này theo đại diện VECITA là chúng ta đang đi lùi
Thực tế mà nói, tăng trưởng 25% hàng năm là đã không theo kịp được với xu thế công nghệ và mức độ phát triển TMĐT chung của thế giới.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Trưởng văn phòng phía Nam của Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và CNTT (Bộ Công thương), cho biết thị trường TMĐT tại Việt Nam hàng năm tăng khoảng 25%. Nói trước khán giả chủ yếu là những người buôn bán online tại e-Commerce Sharing Day do Haravan tổ chức, phối hợp cùng Intel và Cục TMĐT và CNTT (VECITA), diễn ra hôm 28/11/2015, bà Hạnh cho rằng nếu tăng trưởng của một cửa hàng bán hàng qua mạng đạt khoảng 20%/năm chứng tỏ cửa hàng đó đang đi lùi so với xu hướng thị trường, đạt 30%/năm là đã hơn thị trường chung; bà Hạnh nói con số tăng trưởng lý tưởng vào khoảng 50%, hoặc 100% càng tốt.
Vị đại diện VECITA dẫn con số tăng trưởng thị trường TMĐT tại Trung Quốc năm 2013 đạt tới 87%, năm 2014 đạt trên 60%, nhưng con số này giảm đi, do thị trường đang dần bão hòa. Tại Việt Nam, dựa trên một báo cáo quốc tế, tăng trưởng thương mại ở Việt Nam năm 2011 khá thấp so với khu vực, nhưng dự báo năm 2016 tăng trưởng của Việt Nam đã cải thiện, gần bằng Singapore. Do đó, cơ hội cho các đơn vị kinh doanh online tại Việt Nam hiện nay là rất lớn.
Tuy vậy, theo bà Hạnh, hiện vẫn có những trở ngại khiến thị trường TMĐT tại Việt Nam gặp trở ngại. Mặc dù thị trường đã cải thiện hơn nhưng dẫn số liệu từ hai năm trước do VECITA thống kê, đại diện VECITA cho biết trở ngại lớn nhất khi một người không mua hàng online là do họ không tin vào chất lượng hàng hóa. Yếu tố giá cả cũng là trở ngại, dựa trên thống kê năm 2013.
Song song đó, về phía người bán hàng, trở ngại về logistic (vận chuyển, kho bãi…) cũng đang là vấn đề. Theo thống kê từ Ngân hàng thế giới, chi phí logistic tại Việt Nam đang chiếm đến 21% trên tổng chi phí món hàng, nghĩa là khi mua một sản phẩm nào đó giá 100.000 đồng trên mạng, người dùng phải trả 21.000 đồng cho việc vận chuyển và lưu kho….
Ngoài ra, bà Hạnh cũng nêu một vấn đề bất cập, rằng có tình trạng nhân viên giao hàng khi giao hàng và phải thu tiền từ khách hàng thì thái độ phục vụ khá tốt, trong khi đối với những khách hàng đã trả tiền trước mà nhân viên giao hàng không cần phải thu tiền thì thái độ phục vụ không bằng. Việc này, là vô lý, vì đáng lẽ những khách hàng đã trả tiền trước cần được phục vụ tốt hơn. Từ đó mới thúc đẩy thanh toán online phát triển.
Đại diện VECITA cũng cho biết, tổng thị trường TMĐT Việt Nam B2C năm 2015 ước đạt 4,08 tỷ USD, so với con số của năm 2013 là 2,2 tỷ USD.Bà Hạnh cho biết các con số trên do VECITA ước tính dựa trên số liệu của nhiều cơ quan, tổ chức khác nhau. Nam 2013, dân số Việt Nam có khoảng 90 triệu người, trong đó có 36% người dùng internet; dựa vào các thống kê từ Google, VECITA ước tính có khoảng 57% người dùng internet Việt Nam ít nhất một lần mua sắm qua mạng, và mỗi người mua trung bình 120 USD/năm. Từ đó con số 2,2 tỷ USD tổng thị trường TMĐT VN năm 2013 ra đời. Tương tự, năm 2015 dân số tăng lên, lượng người dùng internet cũng tăng lên khoảng 45%, chi tiêu trên mạng cũng tăng lên 150 USD/người/năm, do đó VECITA ước thị trường TMĐT Việt Nam trong năm 2015 đạt doanh thu 4,08 tỷ USD.
Về mặt quản lý, trưởng văn phòng phía Nam của VECITA cho biết chủ trương chung của Chính phủ là ủng hộ TMĐT. Do đó Chính phủ đã giao Bộ Công thương, Bộ này lại giao lại cho VECITA góp phần thúc đẩy TMĐT phát triển. Do đó VECITA đã phối hợp các cơ quan ban ngành để tạo ra hành lang pháp lý tốt nhất để TMĐT Việt Nam phát triển mạnh. Những quy định, theo bà Hạnh, để tạo sự công bằng trên thị trường, nhằm loại bỏ các thành phần buôn bán xấu, khuyến khích đơn vị kinh doanh đàng hoàng mở rộng kinh doanh.
Nguồn: ITexpress.vn