Nhịp đập của tim có thể được sử dụng thay cho mật khẩu truyền thống để mở khóa điện thoại thông minh, máy tính bảng và mở khóa xe hơi…. Đây là công trình nghiên cứu được thực hiện bởi công ty Bionym ở Canada.
Mật khẩu viết bằng những ký tự nguệch ngoạc trên giấy có thể bị mất và bị quên. Điều này nhiều khi gây ra những vấn đề nghiêm trọng. Nhưng giờ đây các chuyên gia bảo mật đã đưa ra một loại mật khẩu không thể bị mất, không thể bị quên hoặc bị đánh cắp. Đó chính là nhịp tim.
Bionym đang phát triển thiết bị dây đeo trên cổ tay. Nó sẽ theo dõi nhịp tim và cho phép bạn mở khóa điện thoại thông minh, máy tính bảng và xe hơi. Thậm chí nó có thể giúp trả tiền cho việc mua sắm, hoặc thay thế cho mã PIN thẻ tín dụng. Thiết bị này có độ chính xác lên tới 99%.
Các chuyên gia tim mạch đã chứng minh được rằng, cũng giống như dấu vân tay, nhịp tim của mỗi người được xác định là duy nhất và không trùng với bất kỳ người nào khác. Nó phụ thuộc vào hình dạng, kích thước và vị trí của tim trong lồng ngực. Tuy nhiên, không giống như dấu vân tay, nhịp tim không bị sao chép. Karl Martin, giám đốc điều hành của Bionym cho biết, người ta có thể ăn cắp dây đeo, nhưng không thể ăn cắp nhịp tim của người khác. Mặc dù việc uống thuốc và tập thể dục có thể làm thay đổi nhịp tim, nhưng theo Martin, hệ thống đọc nhịp tim có thể được điều chỉnh thường xuyên.
Ngoài thiết bị dây đeo của Bionym, hiện có nhiều cách thức xác nhận mật khẩu khác như, Iris sử dụng tia hồng ngoại quét cấu trúc của mống mắt để nhận diện một người nào đó. Công nghệ này được ứng dụng trong quá trình bảo mật ở sân bay. Còn Google mới đây đã nộp bằng sáng chế nhận diện sự di chuyển lông mày của một người để mở khóa điện thoại Android. Trong đó, máy đo laser 3-D được sử dụng để nhận diện đường nét của khuôn mặt. Trong khi đó, Motorola lại phát triển “con tem sinh học” (Biostamps), đó là một “hình xăm” silicon trong một bản mạch điện tử để làm mật khẩu.
Boinym cho biết họ sẽ tung ra thị trường với mức giá 50 -63 euro cho mỗi sản phẩm và lô hàng đầu tiên sẽ xuất hiện vào đầu năm 2014. Công nghệ mới này sẽ sớm thay thế cho những chuỗi mật khẩu rối rắm phải nhớ và ngày càng trở nên thiếu an toàn.
Nguồn: ICTnews