Việt Nam 80% các doanh nghiệp sản xuất chưa sẵn sàng cho chuyển đối số

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  4,037
Mặc dù vài nằm trở lại đây truyền thông nhắc đến rất nhiều đến thời đại công nghiệp 4.0 (cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) nhưng thực tế các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam lại chưa chuẩn bị và sẵn sàng cho chuyển đổi số mà cuộc cách mạng này gây ảnh hưởng.
Ngành sản xuất tại Việt Nam đang chịu sức ép lớn 
 
Hội thảo chuyên đề "Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh" được tổ chức chiều nay (2/10). Đây là 1 trong 5 hội thảo chuyên đề được tổ chức trong khuôn khổ sự kiện Diễn đàn cấp cao và Triển lãm về Công nghiệp 4.0 đang diễn ra tại Hà Nội.
 
Phát biểu tại sự kiện, ông Triệu Tài Vinh, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra với tốc độ nhanh tạo ra những thay đổi sâu sắc trong mọi lĩnh vực, định hình lại nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. nhiều ngành nghề truyền thống sẽ mất đi thay vào đó là các mô hình kinh doanh mới. Thời gian tạo ra các sản phẩm mới ở phòng thí nghiệm đến các sản phẩm để bán được rút ngắn đi, lợi thế cạnh tranh đang chuyển dịch về những khâu cuối của chuỗi giá trị.
 
Việt Nam trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tuy nhiên nền kinh tế lại vẫn đang đi theo mô hình nông nghiệp với tư duy và thể thế quản lý cũ, do đó tốc độ phát triển kinh tế chậm, dẫn đến tăng trưởng không cao và đang là áp lực để cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia.
 
 
Ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo
 
(Ông Triệu Tài Vinh, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại hội thảo)
 
Ông Triệu Tài Vinh chia sẻ, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra các cơ hội mới cho việt Nam nếu chúng ta quyết tâm đổi mới tư duy và xây dựng chiến lược phát triển. Song đây cũng là thách thức lớn do nền kinh tế thế giới đang phát triển rất nhanh đang chuyển đổi sang mô hình phát triển mới, hiện đại trong khi ở nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn tồn tại các tư duy cũ.
 
Cùng ý kiến với ông Triệu Tài Vinh, Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam, ông Nguyễn Quân cho biết sản xuất thông minh là xu hướng tất yếu Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc nhất nếu muốn công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ.
 
Theo đánh giá, Việt Nam chỉ mới đang tiếp cận với cuộc cách mạng thứ 3 và đã buộc phải chuyển sang cách mạng công nghiệp 4.0. Hiện, năng suất lao động ở nước ta thấp so với các nước trong khu vực, trình độ công nghệ thấp, máy móc thuộc thế hệ cũ, nguồn nhân lực hầu hết vẫn chưa qua đào tạo.
 
Theo ông Quân, ước tính chỉ có khoảng 30% lao động đã qua đào tạo, đồng thời Việt Nam cũng thiếu các chuyên gia trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao. Do đó, các ngành sản xuất đang có những áp lực, sức ép rất lớn và phải thay đổi và thích ứng với các xu hướng mới.
 
Việc áp dụng sản xuất thông minh sẽ làm thay đổi hiệu quả nền kinh tế, làm tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh, nhờ đó tiết kiệm được nhiên liệu, nguyên liệu và chi phí nhân công cho từng sản phẩm nâng cao sức cạnh tranh rên trường quốc tế và giải phóng sức lao động.
 
Sản xuất thông minh bao gồm các dây chuyền sản xuất, trang thiết bị công nghệ máy móc thông minh và hệ thống quản lý điều hành thông minh (nhân lực trình độ cao). Các doanh nghiệp sản xuất phải tích hợp được 2 phần này để tạo nên các nhà máy thông minh.
 
80% doanh nghiệp sản xuất chưa chuẩn bị chuyển đổi số
 
 
Toàn cảnh hội thảo Công nghệ 4.0
 
(Toàn cảnh hội thảo)
 
Theo ông Nguyễn Quân, cốt lõi của sản xuất thông minh là chuyển đổi số, trong đó trụ cột là chuyển đổi số doanh nghiệp và chuyển đổi số trong các cơ quan quản lý.
 
Đề cập đến chuyển đổi số doanh nghiệp, vị này cho hay: Có thể chia quá trình chuyển đổi số làm 2 công đoạn đó là số hóa toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp để có dữ liệu số và ứng dụng công nghệ số để khai thác các dữ liệu doanh nghiệp đã xây dựng. Quá trình này bị tác động bởi các yếu tố như: sáng kiến công nghệ (phát minh, giải pháp công nghệ); Phản hồi của người tiêu dùng; Cơ chế chính sách của Nhà nước (chính sách thuế, hải quan, các ưu đãi cho dn hay tiêu chuẩn kỹ thuật mới được ban hành)...
 
Thực tế cho thấy các doanh nghiệp tại Việt Nam hiện nay lại đang "loay hoay" trong công cuộc chuyển đổi số.  Quá trình chuyển đổi số với các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất quan trọng vì nếu các doanh nghiệp này chuyển đổi số không thành công thì nền kinh tế số của chúng ta sẽ thất bại. Thế nhưng hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đều không biết phải bắt đầu chuyển đổi số từ đâu?", ông Quân nói.
 
Để trả lời câu hỏi này, ông Quân cho rằng có 5 điểm các doanh nghiệp cần quan tâm trong quá trình chuyển đổi số đó là: chuẩn bị cho cơ sở vật chất để chuyển đổi số, trang thiết bị có phù hợp với chuyển đổi số hay không;
 
Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số. Theo vị này, có đến 80% doanh nghiệp hiện nay chưa quan tâm đến chuyển đổi số cũng như chưa chuẩn bị nguồn nhân lực trình độ cao cho chuyển đổi số.
 
Các doanh nghiệp cần cân nhắc lựa chọn sản phẩm, công nghệ cho phù hợp với chuyển đổi số. Sau khi lựa chọn, các doanh nghiệp cần số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu cho hoạt động doanh nghiệp. Phải số hóa toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp theo tư duy của công nghệ số. Cơ sở dữ liệu này phải đồng bộ với cơ sở dữ liệu chung để có thể tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung quốc gia.
 
Ngoài ra, doanh nghiệp phải lựa chọn công nghệ số để tích hợp tất cả công đoạn sản xuất, khai thác được dữ liệu mà chúng ta đã số hóa để có thể tạo thành các nhà máy 4.0.
 
Nguồn: ICTNews

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request