Vấn nạn website có lượng truy cập lớn nhưng tỷ lệ mua hàng ít đang làm khó các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  3,535
Việc một website có lượng truy cập lớn là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, lượng truy cập website lớn nhưng tỷ lệ mua hàng lại rất ít sẽ làm cho doanh nghiệp tốn kém chi phí duy trì hệ thống mà lại không bán được hàng. Điều này làm cho các doanh nghiệp nhỏ thấy khó khăn khi vận hành website
Chia sẻ tại hội thảo “Bí quyết kinh doanh từ offline tới online”, ông Đào Văn Ninh, Phó Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng đánh giá Hải Phòng là một trong những thành phố có tốc độ phát triển thương mại điện tử khá nhanh trên cả nước.
 
 
Hiện hầu hết các doanh nghiệp đã có những ứng dụng thương mại điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh như tìm kiếm thông tin (84%), thư điện tử (55%). 36% doanh nghiệp tại Hải Phòng đã xây dựng website thương mại điện tử, trong đó 41% doanh nghiệp có website cung cấp tính năng đặt hàng trực tuyến.
Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử còn khiêm tốn, chưa xứng đáng với tiềm năng của Hải Phòng.
 
Theo các chuyên gia, để có thể thúc đẩy phát triển thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần hiểu rõ hơn các kiến thức về mô hình O2O (online to offline), những kinh nghiệm để chuyển dịch giữa bán hàng online và offline, kinh nghiệm gia tăng tỷ lệ mua hàng trên sàn giao dịch, cách lựa chọn địa điểm bán hàng, cách bán hàng và quản lý bán hàng đa kênh khi kết hợp online, offline…
 
Trong thực tế, O2O (offline to online, hoặc online to offline) được hiểu đơn giản là mô hình kinh doanh kết hợp giữa online và offline.
 
Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Bizweb chia sẻ: Trong kinh doanh O2O, việc đồng nhất dữ liệu giữa online và offline là quan trọng nhất, giúp tăng trải nghiệm mua hàng của người tiêu dùng, khác biệt so với đối thủ cạnh tranh và giảm thiểu tối đa chi phí vận hành.
 
Cùng đó, việc phải có một giải pháp công nghệ để giúp doanh nghiệp bán hàng và quản lý bán hàng đa kênh rất cần thiết. Giải pháp đó cần phải cho phép quản lý nhiều kênh bán hàng một lúc (cửa hàng, Facebook, Zalo, sàn giao dịch, website…); phải thống kê đơn hàng ở từng trạng thái chi tiết như đóng gói, xuất kho, đã thanh toán, hoàn trả… và hơn hết, hệ thống đó nhất thiết phải có báo cáo bán hàng đa kênh từ từng kênh chi tiết.
 
Hiện nay, công nghệ đang làm tăng quyền lực cho người mua hàng, đồng thời cũng tạo lợi thế và áp lực cho các doanh nghiệp, đặc biệt là giải câu hỏi làm thế nào để tận dụng công nghệ vào trong kinh doanh một cách hiệu quả nhất.
 
“Cách đơn giản nhất là các doanh nghiệp nên lựa chọn một giải pháp công nghệ cho phép sử dụng ngay O2O mà không phải xây dựng lại từ đầu”, ông Tuyến nói.
 
Bên cạnh đó, trong kinh doanh nói chung và mô hình O2O nói riêng, yếu tố tốc độ rất quan trọng.
 
“Nếu bạn không thể dùng một chiếc điện thoại để quản lý tất cả các hoạt động kinh doanh thì bạn sẽ mất lợi thế và chậm tiến so với đối thủ. Một giải pháp O2O tối ưu sẽ làm được điều này”, ông Tuyến nhấn mạnh.
 
Cũng theo chia sẻ của các chuyên gia tại hội thảo, để kết hợp bán hàng online và offline một cách hiệu quả, người kinh doanh không thể không chi tiền cho quảng cáo, dù ít hay nhiều.
 
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp còn khá mơ hồ trong bối cảnh quảng cáo hiện nay đang tràn lan và rất khó để có thể chạm tới người tiêu dùng một cách thông minh, chọn lọc.
 
Trong khi quảng cáo Facebook đã bị “nhờn” với người tiêu dùng, ông Nguyễn Bá Hưởng, CEO F5 Media đánh giá doanh nghiệp nên để ý tới các kênh như Zalo, kênh video.
 
“Các doanh nghiệp cần tận dụng kênh video để đào tạo thị trường. Mỗi doanh nghiệp nên có riêng một kênh YouTube. Ngoài ra đầu tư thời gian, công sức vào một công cụ nữa hỗ trợ rất đắc lực trên Facebook đó là livestream để giới thiệu và bán hàng”, ông Nguyễn Hữu Lam, CEO HP Soft chia sẻ.
 
Trước thực tế nhiều doanh nghiệp than phiền đang gặp phải thực trạng lượng truy cập vào website, cửa hàng online lớn nhưng tỷ lệ mua hàng rất thấp, bà Lương Thanh Hương, Giám đốc chi nhánh Lazada Hà Nội cho rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tỷ lệ mua hàng, trong đó yếu tố cốt lõi là ngành hàng ấn tượng, độ hấp dẫn của nội dung, hình ảnh và sự chi tiết của thông tin sản phẩm.
 
“Một doanh nghiệp nắm bắt được nhu cầu, tâm lý của người tiêu dùng và đầu tư về chiến lược nội dung, hình ảnh sẽ dễ dàng tăng trưởng tỷ lệ khách mua hàng”, bà Hương nói.
Nguồn: ICTNews

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request