Nhờ bán vé trước thông qua internet (TMĐT) mà AirAsia mới có thể tồn tại. Bài học từ CEO Tony Fernandes về lợi ích mà Internet mang lại. Gần 2 thập kỷ trước, hàng không giá rẻ gần như không tồn tại. Ngày nay, nó chiếm hơn một nửa lưu lượng tại Đông Nam Á, cho phép nhiều người được bay lần đầu tiên trong đời. Sự bùng nổ này có công rất lớn của doanh nhân Anthony Fernandes.
Là cựu quan chức của Warner Music, ông Fernandes mua lại AirAsia từ chính phủ Malaysia năm 2001 và biến nó thành hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của châu Á. Từ một công ty chỉ có 2 máy bay, 250 nhân viên và hàng trăm triệu USD nợ nần, ông đưa AirAsia nên những nấc thang cao hơn: ngày nay, hãng có 220 máy bay, tuyển dụng 20.000 người, chuyên chở 65 triệu hành khách mỗi năm. AirAsia được xướng tên là hãng hàng không giá rẻ tốt nhất thế giới 8 năm liên tiếp và năm nay được Mỹ “bật đèn xanh” để khai thác đường bay sang Mỹ.
CEO AirAsia Tony Fernandes
Dù vậy, không có thành công nào đạt được dễ dàng. Trong một phiên thảo luận gần đây với CEO Catcha Group Patrick Grove, ông Fernandes đã chia sẻ một số bài học giá trị rút ra được trong thời gian qua.
Tận dụng sức mạnh của Internet và công nghệ mới
Khi mua AirAsia, ông Tony thừa nhận ông rất sợ thất bại. “Tôi không lo bản thân thất bại mà lo cho 250 nhân viên. Nếu chúng tôi thất bại, họ sẽ mất việc”.
Như bất kỳ công ty nào mới khởi nghiệp, AirAsia luôn trong tình trạng thiếu tiền. “Tôi chưa bao giờ nghĩ xa hơn tuần kế tiếp vì chúng tôi thực sự không có nhiều tiền. Chúng tôi không có kinh nghiệm và chỉ có 2 máy bay so với các đối thủ lớn hơn nhiều. Thật đáng sợ”.
Ông cố gắng gọi vốn, xin vay thế chấp, tiếp cận các ngân hàng tín dụng nhưng không thành công. Ông chỉ là một người vừa rút khỏi ngành công nghiệp âm nhạc và đột nhiên quyết định thành lập một hãng hàng không. Đây hoàn toàn không phải câu chuyện có sức thuyết phục.
“Internet chính là cứu tinh của chúng tôi”, ông Fernandes nói.
Nó cho phép AirAsia bán vé trước, có thêm tiền để xoay xở cho đến khi phát triển đủ lớn để được đồng ý cho vay. Nó cũng giúp công ty bán vé trực tiếp cho khách hàng, loại bỏ kênh phân phối truyền thống, cắt giảm chi phí. Theo CEO AirAsia, thương mại điện tử nay chiếm tỉ lệ lớn trong việc kinh doanh của hãng, mang về khoảng hơn 1,5 tỷ USD doanh thu năm ngoái.
Tương tự những ngày đầu, thương mại điện tử chứng minh là “phao cứu sinh” cho AirAsia vài năm gần đây khi cạnh tranh trên thị trường ngày một khốc liệt, dẫn đến giá vé giảm mạnh. Một phần lớn doanh thu đến từ bán hàng hóa và dịch vụ phụ trợ trên mạng, bao gồm mọi thứ từ hành lý xách tay, ghế ưu tiên, suất ăn trên máy bay, Wi-Fi cho đến dịch vụ cho thuê xe hơi, phòng khách sạn.
Làm ra sản phẩm tốt, mọi người sẽ mua nó
Không dễ để bắt mọi người dùng Internet khi mới bắt đầu. “Internet đã có nhưng không ai dùng thẻ tín dụng”, ông nhớ lại. Đây là một thử thách đồng thời cũng là cơ hội. “Tôi hiểu người Malaysia rất rõ. Nếu bạn đưa ra một giao dịch có lợi, họ sẽ tìm cách mua nó… Chúng tôi sẽ tìm ra cách”.
Ngay cả đại dịch SARS năm 2002 cũng không làm họ nhụt chí. Thời điểm ấy, khách du lịch trở nên thận trọng hơn khi bay nhưng Fernandes lại thấy nó chính là thời cơ để xây dựng thương hiệu. “Tôi đi đến nhóm tiếp thị và nói: “hãy tăng gấp ba lượng quảng cáo lên”. Họ hỏi tôi đã uống thuốc mê gì vậy. Bởi không ai quảng cáo, tôi nói, “giảm giá đi”. Tôi hiểu người Malaysia – nếu hạ giá đủ thấp, họ sẽ mạo hiểm cả mạng sống của mình”.
Nhìn về nơi chưa ai nhìn
Dù ban đầu tập trung vào thị trường nội địa, AirAsia vẫn nhìn thấy cơ hội khổng lồ tại các nước Đông Nam Á còn lại do chưa đối thủ nào tiến hành. “Mọi người tập trung vào Ấn Độ, Trung Quốc… còn tôi nghĩ có 700 triệu người đang ở đây, tại sao không ai muốn làm”, ông Fernandes hồi tưởng.
Họ đã tận dụng lợi thế của người tiên phong và bay đến các điểm chưa ai phục vụ. Từ các nước ASEAN, AirAsia mở rộng sang Ấn Độ rồi đến Trung Quốc.
Cơ hội không đến thường xuyên, hãy nắm lấy nó
Không phải ai cũng biết, trước khi gia nhập ngành ghi âm và hàng không, ông Fernandes từng là kế toán tại các công ty của tài phiệt Anh Richard Branson. Ông Branson sở hữu tập đoàn Virgin, công ty mẹ của hãng hàng không Virgin Atlantic.
Tuy nhiên, ông không dễ để có công việc này mà khi đi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường bảo ông “Đi xuống địa ngục đi”. May mắn là trên đường ra khỏi phòng, ông nhìn thấy Branson đi vào. “Tôi nghĩ có nên làm người Malaysia xấu hổ và chỉ mỉm cười rồi bước đi hay nắm lấy cơ hội này”. Sau đó, họ bắt đầu trò chuyện và dường như nhìn thấy gì đó đặc biệt ở Fernandes, Branson đã cho ông công việc. Vài năm sau, họ trở thành những người bạn chí cốt và cùng nhau lập AirAsia X, khai thác các đường bay đến Trung Đông, Úc và châu Âu.
“Nếu có bài học nào đó, đó chính là cơ hội không đến thường xuyên nên nếu thấy nó, hãy nắm lấy”.
Theo Tech In Asia