Tài khoản Facebook mạo danh HLV và các danh thủ U.23 Việt Nam mọc lên như nấm

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  6,368
Như thường lệ, cứ có một sự kiện nào nỗi bật hoặc đang nóng thì nhiều người theo chủ nghĩa "cơ hội" lại tạo ra những tài khoản giả mạo mục đích để câu like, kết bạn... sau đó sử dụng cho mục đích cá nhân khác.

Cho đến hôm nay, ngày 25/01/2018 U.23 Việt Nam chiến đấu "không tưởng" để dành vé vào dự trận chung kết tại giải VCK U.23 Châu Á 2018, đánh dấu một mốc lịch sử mới cho bóng đá Việt Nam. Qua màn trình diễn quả đội U.23, báo chí trong nước cũng như thế giới dành vô số mỹ từ để ca ngợi thầy trò Park Hang Seo.

(Hàng trăm tài khoản giả danh Bùi Tiến Dũng, thủ thành U.23 Việt Nam)

Theo đó, như thường lệ những kẻ theo "Chủ nghĩa cơ hội" đã tạo ra hàng trăm tài khoản facebook giả danh HLV Park Hang Seo cũng như các danh thủ U.23 tham gia thi đấu tại giải lần này. Mục đích của chúng rất rõ ràng, ban đầu là đưa các tin tức, hình ảnh về HLV cũng như các danh thủ để thu hút lượng thích (like), theo dõi sau đó chúng sử dụng những tài khoản này để phục vụ cho mục đích cá nhân như: Bán hàng, lừa đảo... Trong các tin, hình anh những tài khoản này đưa có rất nhiều tin sai sự thật, tin sốc..

Theo các chuyên gia, việc ăn theo các nhân vật, sự kiện được nhiều người quan tâm để lập ra các tài khoản giả mạo lừa người dùng không phải là chiêu trò mới của hacker. Tuy nhiên, vẫn có không ít người dùng sập bẫy do với mỗi sự kiện, hacker lại “thiên biến vạn hóa” để thu hút và đánh lừa người dùng.

Ông Nguyễn Hữu Cường - Admin Diễn đàn an ninh mạng Việt Nam WhiteHat.vn nhận định, các tài khoản giả mạo được tạo ra nhằm mục đích câu like, view, tăng số lượng bạn bè, lượt theo dõi. Về sau, những tài khoản này có thể được chuyển đổi sang dạng fanpage để bán hàng gây phiền hà cho người dùng, hoặc nguy hiểm hơn là trở thành phương tiện tấn công lừa đảo (Phishing) của hacker.

“Để tăng tính thuyết phục, tác giả của những tài khoản giả mạo thông báo đó là Facebook phụ của cầu thủ, huấn luyện viên… do trang cá nhân chính thức đã vượt quá số lượng bạn bè, nên sẽ tương tác trên trang mới; hoặc tận dụng tính năng chỉnh sửa thông tin cá nhân để giả mạo số lượng người theo dõi”, ông Cường chia sẻ.

(Để tăng tính thuyết phục, tác giả của những tài khoản giả mạo đã tận dụng tính năng chỉnh sửa thông tin cá nhân để giả mạo số lượng người theo dõi. Nguồn ảnh: WhiteHat.vn)

Ông Nguyễn Hữu Cường cũng cho biết thêm, có một số dấu hiệu cơ bản để phát hiện một tài khoản Facebook giả mạo, đó là kiểm tra thời gian tạo tài khoản: nếu là tài khoản mới tạo gần đây thì khả năng giả mạo là rất cao); Kiểm tra ảnh đại diện: Facebook giả mạo thường có ảnh đại diện giống của Facebook thật nhưng thời gian thay đổi ảnh sẽ là gần đây. Người dùng có thể click vào ảnh đại diện hiện tại của tài khoản Facebook để kiểm tra thời gian cập nhật. Ngoài ra, có thể xem các ảnh đại diện được sử dụng trước đó, nếu không phải là ảnh thật của chủ nhân thì có thể nghi ngờ là tài khoản giả mạo.

Bên cạnh đó, còn có thể kiểm tra các bài đăng trên timeline tài khoản Facebook. Cụ thể, người dùng bình thường sẽ đều đặn đăng tải lên timeline các thông tin, chia sẻ các vấn đề quan tâm về cuộc sống, nghề nghiệp, công việc, xã hội… Nếu tài khoản Facebook không có các bài đăng cũ mà chỉ có các bài đăng những ngày gần đây thì có khả năng là tài khoản giả mạo.

Kiểm tra nhật ký hoạt động, một tài khoản Facebook bình thường sẽ có các hoạt động như like, chia sẻ, bình luận… vào các ảnh, bài đăng và trả lời bình luận của các bạn bè trên Facebook. Nếu một tài khoản chỉ có chia sẻ đường link hoặc các nội dung mà không tương tác lại thì xác suất giả mạo là rất cao.

Ngoài ra, người dùng có thể kiểm tra các thông tin khác như các nhóm tham gia, các ảnh, video được bạn bè tag… Tài khoản Facebook giả mạo sẽ ít được tag, không tham gia nhiều nhóm, không tương tác nhiều trên Facebook…

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, dự báo về xu hướng tấn công mạng năm 2018, các chuyên gia Bkav đã nhận định, năm nay Facebook sẽ tiếp tục là môi trường bị các đối tượng xấu lợi dụng để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo mới.

Trong năm 2017, tin tức giả mạo lan tràn trên các mạng xã hội lớn được các chuyên gia Bkav nhận định là một trong những điểm nóng an ninh mạng. Theo các chuyên gia, sự bùng nổ của tin tức giả mạo (tin bịa đặt, sai sự thật) mang lại không ít phiền toái cho người sử dụng mạng xã hội trong năm vừa qua. Cụ thể, tại Mỹ, tin tức giả mạo cũng tràn ngập Facebook, Google, Twitter… đặc biệt là trong các sự kiện lớn. Tại Việt Nam, số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

Theo các chuyên gia Bkav, tin tức giả mạo cũng giống như virus, lợi dụng sự nhẹ dạ và thói quen “tùy tiện” của người dùng để lây nhiễm. “Người dùng cần tự tạo cho mình khả năng đề kháng, biết đặt ra nghi vấn đối với tin tức đọc được trên mạng xã hội, chủ động xác minh nguồn tin, kiểm chứng thông tin trước khi tiếp nhận hoặc chia sẻ. Hãy là người dùng mạng xã hội thông thái”, chuyên gia Bkav khuyến cáo.

Tổng hợp thông tin từ Internet

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request