Ngày 27/8/2017 tuyến cáp quang Liên Á và AAG gặp sự cố làm cho người dùng truy cập các dịch vụ internet có máy chủ Quốc tế rất chậm. Qua hơn 1 tháng nổ lực khắc phục sự cố 2 tuyến cáp này đã phục hồi 100%, lưu lượng truyền tải đã trở lại bình thường.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, công việc sửa chữa, khắc phục sự cố xảy ra ngày 27/8 với tuyến cáp quang biển quốc tế Liên Á - IA đã được hoàn tất trong ngày hôm qua, 30/9/2017.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, các vị trí cáp lỗi trên cả 2 tuyến cáp biển đóng vai trò quan trọng trong kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế là Liên Á và AAG đều đã được xử lý, khôi phục hoàn toàn dung lượng đường truyền trên các tuyến này.
Hai tuyến cáp Liên Á và AAG cùng xuất hiện cảnh báo đứt vào chiều ngày 27/8/2017, làm ảnh hưởng đến dung lượng kết nối Internet quốc tế từ Việt Nam hướng đi HongKong. Theo Trung tâm điều hành các tuyến cáp biển này, cáp AAG bị đứt tại 3 vị trí gồm 2 vị trí trên cáp nhánh S1i hướng Việt Nam - HongKong và 1 vị trí trên cáp nhánh S2 hướng HongKong - Philippines; còn cáp Liên Á bị đứt tại vị trí cách trạm cập bờ HongKong 54km.
(Hình minh họa nguồn từ internet)
Cũng như những lần các tuyến cáp biển gặp sự cố trước đó, ngay sau khi cáp Liên Á và AAG gặp sự cố, các nhà mạng VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom, NetNam… đều đã triển khai các phương án dự phòng, điều hướng lưu lượng sang các tuyến cáp biển Asia Pacific Gateway - APG và các hướng cáp đất liền, bổ sung băng thông nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến các khách hàng sử dụng dịch vụ.
Về tiến độ khắc phục sự cố đứt cáp ngày 27/8, đối với cáp AAG, cáp nhánh S1i hướng Việt Nam - HongKong của tuyến cáp quang biển này bắt đầu được sửa chữa từ ngày 7/9/2017 và đã được khôi phục vào rạng sáng 25/9/2017. Đến 10h ngày 26/9/2017, điểm lỗi trên phân đoạn S2 hướng HongKong - Philippines của cáp AAG cũng đã được đối tác quốc tế xử lý xong, khôi phục toàn bộ dung lượng kênh truyền trên tuyến cáp.
Còn với cáp Liên Á, ngày 26/9/2017, tàu của đối tác quốc tế đã đến vị trí lỗi - vị trí đứt cáp Liên Á cách trạm cập bờ HongKong 54 km, bắt đầu sửa chữa và việc khắc phục, xử lý sự cố đã được hoàn thành vào ngày 30/9/2017, sau hơn 1 tháng gặp sự cố.
Được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp quang biển Liên Á có tổng chiều dài 6.800 km, kết nối Singapore, Việt Nam, Philippines, HongKong và Nhật Bản. Hệ thống có tốc độ truyền dữ liệu theo thiết kế lên tới 3,84Tbps, với tổng số vốn đầu tư ban đầu là 200 triệu USD và cung cấp dung lượng đầu cuối ban đầu là 320Gbps. Hệ thống cáp quang biển Liên Á được đánh giá là tuyến cáp quang quan trọng để trung chuyển lưu lượng đến châu Mỹ và châu Âu cho các khách hàng ở Việt Nam và khu vực.
Có tổng chiều dài 20.000 km và dung lượng thiết kế đạt đến 2 Terabit/giây, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG kết nối trực tiếp khu vực ASEAN với Mỹ. Cũng được đưa vào vận hành từ tháng 11/2009, tuyến cáp AAG bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ, với các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippines), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)... Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km.
Trong bối cảnh các tuyến cáp biển Liên Á, AAG thường xuyên gặp sự cố, tổng dung lượng Internet quốc tế của Việt Nam tăng trưởng mạnh, việc thiết lập, đưa vào khai thác các tuyến cáp biển mới được các chuyên gia nhận định đóng vai trò quan trọng. Trên thực tế, từ cuối năm ngoái, tuyến cáp biển APG đã được đưa vào vận hành, khai thác. Và mới đây, VNPT và Viettel cũng cho biết các đơn vị này sắp mở kênh khai thác chính thức trên tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Africa Europe 1 (AAE-1) - hệ thống cáp kết nối các khu vực châu Á, Trung Đông, châu Phivà châu Âu, đi qua 19 quốc gia.
Trước đó, lãnh đạo Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ TT&TT cho biết, để đảm bảo tốt chất lượng dịch vụ Internet tại Việt Nam, cùng với việc thiết lập nhiều hướng quốc tế khác nhau, có phương án dự phòng, một vấn đề quan trọng là cần phải tăng cường phát triển Internet trong nước. Cụ thể là, tăng cường kết nối với Trạm trung chuyển Internet quốc gia; trạm VNIX tăng cường các kết nối peering giữa các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức; đồng thời tập trung phát triển nội dung, dịch vụ trực tuyến trong nước để xây dựng một hạ tầng, dịch vụ Internet trong nước mạnh, phát triển kinh tế của đất nước, tránh lệ thuộc, trả tiền cho bên ngoài.
Nguồn: ICTNews