Sau khi có chữ ký số TP. HCM chấm dứt sử dụng văn bản giấy

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  4,562
UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở TT&TT triển khai ứng dụng chữ ký số vào trong giao dịch giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, theo đó sau khi được cấp chữ ký số các đơn vị phải chấm dứt sử dụng văn bản giấy trong giao dịch liên thông nội bộ.
Theo Cổng thông tin điện tử TP.HCM, tại cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến đã giao Sở Nội vụ có văn bản hướng dẫn cho các Sở,  ngành, quận, huyện về phân loại đánh giá thi đua công tác cải cách hành chính năm 2017. Đồng thời có dự thảo tờ trình của UBND Thành phố báo cáo Thường trực HĐND Thành phố tại kỳ họp tới đối với những thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến được giảm, miễn lệ phí thuộc thẩm quyền của thành phố, để khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia, đảm bảo sự minh bạch công khai, tạo sự đồng thuận, sự ủng hộ cam kết trách nhiệm giữa chính quyền và các doanh nghiệp, đồng thời hạn chế tối đa sự giao tiếp giữa cán bộ với doanh nghiệp và người dân.
 
UBND TP.HCM cũng yêu cầu, trong tháng 4/2017, Sở TT&TT phải cung cấp chữ ký số cho Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện. Sau khi có chữ ký số, bắt buộc các Sở, ngành, quận, huyện liên thông nội bộ không sử dụng bản giấy (chấm dứt sử dụng bản giấy khi có chữ ký số).
 
Sở TT&TT trình Kế hoạch tổ chức Hội chợ công nghệ thông tin kết nối doanh nghiệp công nghệ thông tin và chính quyền trong việc xây dựng chính quyền điện tử, trong đó các quận, huyện, phường, xã sẽ tham khảo và ký hợp đồng với các doanh nghiệp công nghệ thông tin theo phương thức thuê, mướn để đầu tư trang thiết bị, phần mềm phục vụ cho việc triển khai dịch vụ công trực tuyến tại đơn vị.
 
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng quy chế quản lý dịch vụ công trực tuyến.
 
Trong tháng 4/2017, Sở Quy hoạch - Kiến trúc phải báo cáo UBND Thành phố về phủ kín quy hoạch chi tiết 1/2000 trên địa bàn thành phố, đồng thời công bố, công khai chỉ tiêu quy hoạch, mật độ dân cư trên từng địa bàn quận - huyện để phục vụ cho người dân và doanh nghiệp một cách dễ dàng và tiện ích nhất.
 
Chủ tịch UBND các quận,huyện, phường, xã phối hợp các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp về xây dựng chính quyền điện tử. UBND quân, huyện, phường, xã phối hợp với Sở TT&TT nghiên cứu xây dựng 322 Tổ tư vấn ở 322 phường,  xã để giúp cho bà con hiểu và thực hành về dịch vụ công trực tuyến tại nơi cư trú; phối hợp với lực lượng tình nguyện của Thành đoàn, nhất là người đoàn viên hiểu biết về công nghệ thông tin để hướng dẫn, giúp cho bà con đăng ký dịch vụ công trực tuyến, để tạo thói quen cũng như thấy được sự tiện ích, qua đó làm tăng tỷ lệ người tham gia trực tuyến.
 
Từ nay đến cuối năm 2017, các quận, huyện phải tổ chức ít nhất 2 cuộc tiếp xúc với người dân, doanh nghiệp hướng dẫn đối với dịch vụ công trực tuyến. 
 
Theo tin từ Sở TT&TT TPHCM cho biết, đến nay TPHCM có 300 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 triển khai cho 24 quận, huyện, tập trung các nhóm lao động, kinh tế, đất đai, xây dựng và hộ tịch. Cụ thể, nhóm lao động tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chiếm 1% (188 hồ sơ trực tuyến/21.031 tổng hồ sơ). Nhóm kinh tế tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chiếm 2% (555/35.662 hồ sơ), nhóm đất đai, xây dựng tỷ lệ 1% (359/38.004 hồ sơ), nhóm hộ tịch tỷ lệ 2% (186/7.685 hồ sơ) và nhóm vệ sinh an toàn thực phẩm tỷ 1% (5/486 hồ sơ).
 
Trong 10 Sở của TPHCM đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì Sở Giáo dục và Đào tạo có tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ cao nhất là 73%, Sở Công Thương 68%; Sở Giao thông vận tải chiếm 59%; Sở Kế hoạch và Đầu tư chiếm 38%, Sở TT&&& chiếm 31%...
 
Cũng có những sở, ngành tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến chỉ chiếm 1% thậm chí 0% trên tổng số hồ sơ nộp như: Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Y tế; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Quy hoạch - Kiến trúc.
 
Ý kiến của một số quận, huyện, sở, ngành cho biết nguyên nhân khiến tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến thấp là do thiếu kinh phí, người dân chưa quen, thay đổi bộ máy, vướng quy định của các bộ - ngành liên quan…
 
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng, tổng đầu tư 7 phần mềm ứng dụng trong công tác quản lý của ngành y tế và dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân lên đến khoảng 20 tỷ đồng.
 
Sở TT&TT TP.HCM đề nghị trong thời gian sắp tới các sở, ban, ngành, quận, huyện phải áp dụng đồng bộ và phải minh bạch thông tin với người dân như nhắn tin, email, công khai thông tin trên trang thông tin điện tử, chủ động trong việc cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp
 
Khôi Nguyên - ICTNews

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request