Doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư vào thương mại điện tử

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  4,095
Công ty UPS toàn cầu trong lĩnh vực logistics vừa công bố "Khảo sát về động lực mua hàng trong ngành công nghiệp" (Industrial Buying Dynamics) năm 2017 cho thấy thương mại điện tử là yếu tố quan trọng mà các doanh nghiệp Việt Nam nên đầu tư
UPS, công ty toàn cầu trong lĩnh vực logistics vừa công bố Khảo sát về động lực mua hàng trong ngành công nghiệp (Industrial Buying Dynamics) năm 2017 và khuyến khích các nhà sản xuất Việt Nam chú trọng vào 5 yếu tố để có thể thu hút người mua trong ngành công nghiệp tại các thị trường Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ.
 
Nghiên cứu về Động lực mua hàng trong ngành công nghiệp của UPS được thực hiện vào tháng 12/2016, với sự tham gia của hơn 2.500 người mua trong ngành công nghiệp tại Trung Quốc, Châu Âu (Anh, Pháp, Ý và Đức) và Mỹ, bao gồm nhiều lãnh đạo cấp cao cùng hàng loạt nhân vật có tầm ảnh hưởng trên Thế giới.
 
Cụ thể, 5 yếu tố mà khảo sát này nhắc đến là thương mại điện tử, tính năng tương tác cá nhân, dịch vụ hậu mãi, uy tín và chất lượng, cũng như công nghệ in 3D. UPS nhấn mạnh, bằng việc thấu hiểu hành vi và nhận thức của người mua trong ngành công nghiệp ở ba thị trường phát triển này, các nhà sản xuất ở Việt Nam có thể tối ưu hoá việc lên kế hoạch và ưu tiên các chiến lược thâm nhập vào thị trường nước ngoài.
 
Khảo sát cho thấy Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ và Châu Âu trong việc ứng dụng các kênh trực tuyến và di động nhằm thực hiện hành vi mua sắm. Kết quả cũng cho thấy những dự đoán về khả năng tăng trưởng nhanh chóng của xu hướng mua sắm qua sàn giao dịch điện tử và ứng dụng di động là hoàn toàn chính xác.
 
Cụ thể, theo khảo sát, 43% người mua trong ngành công nghiệp tại Trung Quốc đã sử dụng những ứng dụng di động trong việc mua sắm, bỏ xa Mỹ (30%) và Châu Âu (17%). Mức độ tinh vi đang gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh thương mại điện tử Châu Á; đồng thời, các kênh kỹ thuật số cũng đang góp phần chuyển đổi cách thức mua sắm của người tiêu dùng trên khắp Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó, đây chính là cơ hội chín muồi cho các nhà sản xuất tận dụng những thế mạnh này, nhằm mở rộng quy mô sang thị trường Trung Quốc, một quốc gia có tỉ lệ ứng dụng cao, cũng như thị trường Mỹ và Châu Âu, nơi các nhà cung cấp truyền thống đang tụt hậu về kỹ thuật số.
 
Tuy nhiên, tương tác cá nhân trực tiếp khi mua hàng vẫn đóng vai trò quan trọng trong ngành. Ngoài ra, dịch vụ hậu mãi cũng là một yếu tố thiết yếu cần được đáp ứng cho người mua tại mọi thị trường, trong đó chính sách đổi trả hàng là dịch vụ được đánh giá cao nhất bởi người mua tại Mỹ và Châu Âu.
 
Ông Daryl Tay, Giám đốc Điều hành UPS Việt Nam cho biết: “Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc hiện vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của các nhà sản xuất Việt Nam. Các hiệp ước thương mại tự do thế hệ mới (FTA), như Hiệp ước Thương mại Tự do Việt Nam – EU và Khu vực Tự do Thương mại ASEAN, hứa hẹn sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư, cũng như cải cách hành chính tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, chúng tôi dự đoán các nhà sản xuất Việt Nam sẽ đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu của họ,”.
 
  “Với những hiểu biết thương mại chuyên sâu từ Khảo sát mới nhất về Động lực Mua hàng trong ngành Công nghiệp của chúng tôi, các nhà sản xuất Việt Nam có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội và giải quyết các thách thức đến từ việc thâm nhập vào các thị trường này."
Nguồn: ICTNews

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request