Bán hàng hiệu quả bằng cách "tiếp thị hiểu tâm lý người dùng"

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  7,319
Đa số những người bán hàng không xuất thân từ ngành học tâm lý nào cả nhưng việc vận dụng tâm lý vào tiếp thị sản phẩm và bán hàng thì mang lại rất nhiều hiệu quả

Thay vì liệt kê ra một loạt các tác dụng, công năng, thành phần.... của sản phẩm hay dịch vụ của mình một cách khô khan thì bạn nên nêu ra những lợi ích mang lại cho khách hàng. Bởi, điều đa số khách hàng quan tâm là họ sẽ bỏ ra bao nhiêu tiền và nhận lại được những giá trị nào.

Bài viết khác có thể bạn sẽ quan tâm:

Nghề Sale 4.0, nghề bán hàng bằng cả trái tim

Tiếp thị thu hút khách hàng bằng cách hiểu tâm lý khách hàng

Trên truyền hình, báo in và trực tuyến, các nhà tiếp thị đầu tư ngân sách quảng cáo, sự sáng tạo và thời gian vào các thông điệp truyền thông nhằm khơi gợi phản ứng cảm xúc từ người tiêu dùng. Bằng những nỗ lực này, người làm tiếp thị hy vọng rằng họ sẽ cải thiện được tình cảm của người tiêu dùng đối với thương hiệu, thuyết phục đối tượng tiềm năng mua sản phẩm và khuyến khích khách hàng hiện tại tiếp tục mua hàng.

Tuy nhiên, sự thành công của họ còn tùy thuộc vào khả năng ảnh hưởng đến hành vi người tiêu dùng; điều này làm cho tiếp thị chính là một bài thực hành về tâm lý đối với người tiêu dùng. 

Robert Rosenthal - tác giả quyển Optimarketing: Marketing Optimization to Electrify Your Business (Tối ưu hóa tiếp thị để kích thích sự phát triển của doanh nghiệp) cho rằng đa số người làm tiếp thị không phải là nhà tâm lý nhưng lại biết cách vận dụng tâm lý để thu hút người tiêu dùng. “Những nhà tiếp thị khôn ngoan và giàu kinh nghiệm sử dụng tâm lý một cách hợp pháp, phù hợp chuẩn mực đạo đức và thể hiện sự tôn trọng để thu hút người dùng và thôi thúc họ mua hàng”, ông cho biết.

Sau đây là một số cách có thể giúp các nhà tiếp thị làm được điều này, theo Robert Rosenthal:

Mang đến những ý tưởng giàu cảm xúc

Các cuộc nghiên cứu cho thấy những thông điệp tiếp thị sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khi nhấn mạnh kết quả mà người tiêu dùng có thể nhận được từ một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể thay vì liệt kê một danh sách khô khan về các thành phần và tính năng.

Tái định vị cuộc cạnh tranh

Điều chỉnh cách người tiêu dùng nhận thức về bối cảnh cạnh tranh. Bạn có thể củng cố ý tưởng rằng sản phẩm mang đến một nhu cầu giá trị cao hơn, khác biệt trong cuộc sống của họ, khiến cho sản phẩm – dịch vụ của bạn trở thành sự chọn lựa rõ ràng.

Quảng bá về sự “độc quyền”

Thỏa mãn cái tôi của khách hàng bằng cách làm họ cảm thấy đặc biệt khi mua sản phẩm.

Tâm lý sợ tổn thất

Nhấn mạnh vào hậu quả nếu như không hành động. Mọi người thường có xu hướng tránh tổn thất, mất mát hơn là cố gắng đạt được điều gì đó. Tâm lý này thường được vận dụng trong hình thức “dùng thử miễn phí”.

Chẳng hạn, bạn có thể dùng thử dịch vụ trong 30 ngày, sau đó hủy đăng ký nếu dịch vụ này không dành cho bạn. Nhưng, hầu hết sẽ dùng tiếp dịch vụ để tránh khả năng “bị mất” quá nhiều thay vì nhìn vào khả năng “có được” số tiền tiết kiệm nếu không trả phí đăng ký.

Xây dựng đội quân hâm mộ… và “kẻ thù”

Con người thích “cảm giác thuộc về”, đó là lý do tại sao hầu hết thường gắn mình với một nhóm, cộng đồng hay niềm tin nào đó. Trong tâm lý, chúng ta gọi là “thuyết định dạng xã hội”. Nhưng sẽ là phi thực tế để mong đợi tất cả đều thích bạn. Sự phân cực tạo nên lòng trung thành với thương hiệu và từ chối những người thuộc “phe” khác. Điều cốt yếu ở đây là không cố gắng tiếp thị cho tất cả mà hãy tạo nên cộng đồng trung thành của bạn.

Khi những cam kết nhỏ trở thành thắng lợi lớn

Trong quyển Influence: The Psychology of Persuasion (Ảnh hưởng: Tâm lý của sự thuyết phục), tác giả – tiến sĩ Robert Cialdini, giáo sư về marketing và tâm lý học tại Arizona State University (Mỹ) nêu ra một trong sáu nguyên tắc thuyết phục của ông là “Cam kết và nhất quán”. Khoa học đã chứng minh khi người ta thực hiện sự chọn lựa nào đó, họ dùng các quyết định trong quá khứ để xác định những hành động trong tương lai.

Các nhà tiếp thị vận dụng bằng cách khiến cho khách hàng tiềm năng đồng ý các yêu cầu nhỏ trước, có thể là đăng ký nhận thông tin định kỳ qua email, theo dõi trên mạng xã hội, tham dự hội thảo hay tải sách điện tử. Sau vài nỗ lực thành công khiến mọi người “đồng ý”, bạn sẽ tăng mức độ lên và đối tượng tiềm năng sẽ phản ứng tích cực với những cam kết lớn hơn như mua hàng hay dịch vụ.

Nguồn: doanhnhanhsaigon.vn

 

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request