TP.HCM đề xuất thu thuế đối với người bán hàng trên Facebook

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  3,929
Ngày 19/02 lãnh đạo TP.HCM làm việc với Cục Thuế Thành phố, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, có khoảng 80.000 website hoạt động trên địa bàn, trong đó một nửa website hoạt động ổn định nhưng thu thuế trong lĩnh vực này rất kém.
Đặc biệt, ông Kiên cho rằng hoạt động bán hàng qua Facebook hầu như chưa thu được thuế và đề nghị UBND Thành phố làm việc với Facebook để có cơ chế hỗ trợ trong việc kiểm soát nguồn thu.
 
 
 
Bán hàng trên Facebook chỉ là một ví dụ, đề xuất của Giám đốc Sở Công Thương nhắm đến thương mại điện tử nói chung. Trả lời trên báo Tuổi Trẻ hôm qua 20/2, ông Kiên cho biết Thành phố đang nỗ lực chống thất thu và thương mại điện tử (TMĐT) là một trong những mảng cơ quan, ban ngành cần để ý. Mảng kinh doanh TMĐT đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, ông Kiên cho rằng cần phòng chống thất thu thuế với mô hình kinh doanh mới này.
 
Đề xuất này của Giám đốc Sở Công Thương nhận được ý kiến ủng hộ từ giới kinh doanh vừa và lớn.
 
Ông Nguyễn Hồng Thành, Phó Giám đốc Công ty Isobar Việt Nam – một chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị số, cho rằng việc thu thuế bán hàng qua mạng như đề xuất nên hiện thực hóa bằng bài toán quản lý. Tức là cơ quan nhà nước nên quản lý dựa trên đăng ký kinh doanh của người bán hàng còn việc nhờ Facebook, Zalo, Instagram,… thu hộ là khó khả thi.
 
Đối với những người bán hàng qua mạng, ông Thành nói, cần yêu cầu đăng ký kinh doanh – quy mô nhỏ như hộ kinh doanh cá thể, quy mô lớn thì thành lập công ty. Việc quản lý này sẽ giúp việc thu thuế dễ dàng hơn. Tuy nhiên, theo ông Thành, việc kinh doanh trên mạng – như bán hàng trên Facebook chẳng hạn – dường như chưa có quy định hiện hành trong việc đăng ký kinh doanh.
 
Chị Quỳnh, đang làm tại một công ty phân phối nguyên liệu thực phẩm và mỹ phẩm tại TP.HCM, đồng thời cũng là người bán hàng qua mạng, cho biết nếu có một quy định yêu cầu đăng ký kinh doanh khi bán hàng qua mạng chị sẽ ủng hộ. Chị cho rằng tình trạng hiện nay người muốn kinh doanh cứ “vơ đại” sản phẩm nào đó không rõ nguồn gốc, không được chứng nhận hay làm giả chứng nhận về bán rồi không chịu đóng bất kỳ loại thuế gì là sai.
 
“Dưới cương vị là một người tiêu dùng, cần ủng hộ việc quản lý để tránh tình trạng hàng giả và các sản phẩm kém chất lượng tràn lan. Hãy xem thử ở Facebook, bao nhiêu sản phẩm là hàng có nguồn gốc rõ ràng? Bao nhiêu sản phẩm được sản xuất có tâm?”, chị Quỳnh nói.
 
Ông M., chủ một hệ thống bán hàng công nghệ lớn tại TP.HCM cho biết hoàn toàn đồng ý với việc thu thuế người bán hàng qua mạng để công bằng trong kinh doanh.
 
“Nếu anh không đăng ký công ty, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, bán hàng không kê khai thì nó thuộc loại cạnh tranh không lành mạnh với những doanh nghiệp kinh doanh đàng hoàng”, ông này nói.
 
“Cần nói rõ, không phải kiểm soát bán hàng trên Facebook hay trên mạng xã hội, mà yêu cầu mọi hoạt động kinh doanh đều phải có tư cách pháp nhân và nghĩa vụ”, ông nói tiếp.
 
Ông M. cho rằng nhiều cửa hàng bán hàng trong hẻm, bán ngoài đường, bán hàng qua mạng không đăng ký kinh doanh; bán hàng lậu, hàng xách tay trốn thuế là cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh có đăng ký chịu hàng trăm chi phí.
 
Cũng có quan điểm như chị Quỳnh, ông M. cho rằng Facebook hay các trang mạng là một hình thức tiếp thị bán hàng, khi các trang này thu tiền quảng cáo thì phải đóng thuế. Việc thu thuế quảng cáo từ Facebook và thu thuế kinh doanh cần tách bạch, do đó khi cần đánh thuế người kinh doanh thì cần yêu cầu đăng ký kinh doanh chứ khó thu qua Facebook được.
 
Tuy nhiên, hầu hết đều thừa nhận rằng việc yêu cầu các cá nhân nhỏ lẻ đăng ký kinh doanh hay việc thu thuế các đơn vị nhỏ lẻ là không hề dễ dàng.
 
Chị Vân Quyên, chủ một cửa hàng quần áo ở Quận 3 (TP.HCM), đồng thời cũng kinh doanh trên mạng, cho biết đang đăng ký hộ kinh doanh cá thể, đóng thuế khoán theo năm.
 
“Bán hàng online tôi nghĩ chỉ đóng thuế khoán thôi chứ không thể kiểm soát được hết thu chi. Giả sử may quần áo thì ra chợ mua vải, xuống xưởng đặt may, xong trưng hàng lên bán, chả chỗ nào có hóa đơn chứng từ gì cả. Hoặc như một người nấu đồ ăn rồi bán qua mạng thì công khai thu chi thế nào?”, chị Quyên giải thích.
 
“Vấn đề hiện nay chính là cách quản lý của cơ quan nhà nước. Có thể căn cứ vào số tiền chạy quảng cáo Facebook chẳng hạn, để xem xét quy mô kinh doanh, từ đó thu thuế. Việc thu thuế là chính đáng nhưng với nhiều người buôn bán qua ngày thì nên có cách xử lý thấu tình”, chị Quyên cho biết thêm.
 
Anh Thành Nguyễn, quản lý một trang cho thành viên đăng bán hàng trên Facebook, cho biết việc quản lý và thu thuế người mua bán online sẽ không hề dễ dàng. Không chỉ Facebook, các trang diễn đàn trong nước cũng chỉ là trung gian cho phép người bán và người mua tự thỏa thuận giao dịch với nhau thì rất khó để cơ quan quản lý thu thuế. 
 
"Theo tôi, với những người lâu lâu mới bán đồ lặt vặt hay buôn bán nhỏ lẻ mà yêu cầu thu thuế thì không phù hợp lắm", anh Thành cho ý kiến.
 
Trước những ý kiến trái chiều khác nhau, chủ chuỗi bán lẻ trong bài cho rằng, cần “nhìn vấn đề lớn ra và tổng thể” nhằm góp phần làm thị trường kinh doanh tại Việt Nam công bằng, lành mạnh, minh bạch hơn.
Nguồn: ICTNews

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request