Giao dịch tên miền .vn vẫn còn gặp nhiều khó khăn

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  4,542
Giao dịch tên miền Việt Nam (.vn, .com.vn) đã được mở cửa nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để triển khai và phát triển vì quy định chưa rõ ràng và thiếu hướng dẫn cụ thể

 Giao dịch tên miền Việt Nam (.vn, .com.vn) đã được mở cửa nhưng vẫn còn nhiều khó khăn để triển khai và phát triển vì quy định chưa rõ ràng và thiếu hướng dẫn cụ thể

Quyết định số 38/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho phép các cá nhân, tổ chức mua bán, đấu giá tên miền “.vn” từ tháng 9-2014. Tuy nhiên, do cơ chế, quy định chưa phù hợp thực tế, thiếu hướng dẫn cụ thể nên thị trường này vẫn chưa phát triển. Các chuyên gia cho rằng cần sớm có giải pháp cụ thể, đồng bộ để giúp ngành kinh doanh tên miền phát triển tốt.
Vất vả kinh doanh
Ông Nguyễn Minh Thái, Giám đốc kinh doanh Công ty Mắt Bão, cho biết: “Việc mua bán tên miền “.vn” hiện nay vẫn còn những trở ngại do chưa có hướng dẫn cụ thể: Xây dựng biểu mẫu và hồ sơ thực hiện chuyển nhượng, tên miền đủ điều kiện chuyển nhượng, quy định xác định việc nộp thuế chuyển nhượng, cơ quan nào thu thuế chuyển nhượng, mức chi phí…”.
Nhiều sàn giao dịch kinh doanh, đấu giá tên miền đã ra đời
Ông Chu Thế Anh, Trưởng Phòng Dịch vụ dữ liệu trực tuyến khu vực phía Bắc Công ty Viễn thông quốc tế FPT, lý giải: “Việc mua bán, chuyển nhượng tên miền hiện nay vẫn phải đối mặt với rủi ro khi thủ tục pháp lý chưa thuận tiện và phù hợp. Đơn cử, việc giao dịch tên miền rất khó khăn. Muốn chuyển từ chủ cũ sang chủ mới chỉ có một cách là chủ cũ hủy đăng ký tên miền và chủ mới phải đăng ký lại. Khi đó xảy ra rủi ro: nhiều trường hợp khi người bán hủy tên miền nhưng người mua chưa kịp đăng ký thì người khác đăng ký. Mặt khác, việc tranh chấp tên miền thường xuyên xảy ra do chưa có quy định cụ thể về việc chuyển nhượng”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trọng Khoa, một nhà kinh doanh tên miền tự do, cho biết: “Nhiều sàn giao dịch tên miền đã ra đời nhưng quy trình, thủ tục chuyển nhượng chưa nhanh gọn như các nước đang triển khai nên hoạt động không hiệu quả”.
Tại buổi họp tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2015 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ Thông tin và Truyền thông đã yêu cầu VNNIC phải nhanh chóng ban hành thông tư hướng dẫn đấu giá tên miền ngay trong năm nay. VNNIC cũng phải xây dựng các quy định cụ thể về đấu giá, chuyển nhượng tên miền cho phù hợp với thực tiễn.
Đại diện VNNIC cho hay đã xây dựng xong dự thảo thông tư chuyển nhượng quyền sử dụng đối với những tên miền không qua đấu giá.
Cần sớm có giải pháp
Việc cho phép kinh doanh, đấu giá tên miền hợp pháp đồng thời có hướng dẫn thi hành cụ thể, rõ ràng sẽ giúp thị trường tên miền tại Việt Nam phát triển tốt hơn. Các giao dịch mua bán, chuyển nhượng tên miền được thực hiện công khai thông qua sàn giao dịch sẽ hạn chế những tranh chấp không đáng có, như vụ tranh chấp tên miền Bkav hay ANZ diễn ra mới đây.
“Khi tên miền được công nhận là một loại tài sản có thể mua bán sòng phẳng thì sau mỗi giao dịch, người bán có trách nhiệm đóng thuế và nhà nước sẽ có thêm một khoản thu vào ngân sách. Nhà đầu tư và người mua cũng sẽ dễ dàng giải trình khoản chi phí bán, mua tên miền như các chi phí khác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” - các chuyên gia cho biết.
Theo ông Chu Thế Anh, để mở rộng thị phần và doanh số cho lĩnh vực kinh doanh, các nhà đăng ký tên miền, VNNIC, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh hơn hoạt động quảng bá về việc ứng dụng, khai thác giá trị kinh doanh của tên miền; nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định thủ tục đơn giản, thuận lợi cho việc mua bán, trao đổi tên miền. Nếu không làm tốt khâu này thì thị trường tên miền tại Việt Nam sẽ khó khởi sắc cũng như các thủ tục giao dịch khó được nhanh chóng, an toàn và thuận lợi.
Ngoài ra, cơ chế vận hành việc chuyển nhượng tên miền cần thực hiện như mô hình của giao dịch chứng khoán. Khi đó, VNNIC là đơn vị quản lý tập trung, mỗi nhà đăng ký là công ty môi giới và giao dịch chứng khoán cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu; tránh hiện tượng một số nhà đăng ký đã bắt đầu tiến hành triển khai “sàn giao dịch tên miền” theo kiểu tự phát như hiện nay.
“Như một tên gọi riêng, tên miền giúp định vị rõ thương hiệu hay nhãn hàng trước cộng đồng công nghệ số và thương mại điện tử. Việc kiểm soát, nắm giữ quyền quản trị một tên miền trở thành lợi thế, ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... Đây là lý do để các nhà đầu tư tên miền hoạt động lâu nay. Thậm chí, với lựa chọn này, tên miền “.vn” còn được nâng lên một giá trị mới, có thể trở thành tài sản được đầu tư từ các đơn vị, tổ chức đầu tư tên miền quốc tế, tăng thêm giá trị khi giao dịch và tăng cơ hội thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài” - ông Nguyễn Trọng Khoa nhận xét.
Tên miền “.vn” đang tăng trưởng nhanh
Đại diện VNNIC cho biết tính đến hết ngày 30-6, đã có 55.944 tên miền “.vn”, nâng tổng số tên miền này lên 318.812, tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á về số lượng tên miền cấp cao mã quốc gia. Từ ngày 1-1 đến 30-6, có 36.287 tên miền “.vn” đăng ký mới, số tên miền tăng thực tế là 19.657 và số tên miền tăng lũy kế là 19.811. Theo VNNIC, tính đến ngày 30-6, đã có 34.560 tên miền tiếng Việt mới, nâng tổng số tên miền tiếng Việt đăng ký trên hệ thống là 1.075.286. Trong đó, số lượng tên miền đã đưa vào sử dụng trên các loại dịch vụ là 191.240.
Với những con số này, theo các chuyên gia, tên miền “.vn” đang tăng trưởng rất nhanh. Đây là điều kiện rất tốt để phát triển thị trường tên miền “.vn”.
Nguồn: itexpress.vn

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request