Đỗ Anh Minh là cái tên khá quen thuộc trong giới công nghệ và khởi nghiệp. Trong cuộc phỏng vấn với phóng viên trang EcomEye, vị Giám đốc truyền thông quỹ đầu tư mạo hiểm Vertex Ventures đã dành một vài lời khuyên rất hữu ích về truyền thông cho startup Việt.
Đỗ Anh Minh là cái tên khá quen thuộc trong giới công nghệ và khởi nghiệp với những bài viết sắc sảo trên trang TechinAsia. Ông Minh hiện là Giám đốc truyền thông của quỹ đầu tư mạo hiểm Vertex Ventures và cũng là đồng sáng lập cũng như thành viên của một số quỹ bảo trợ khởi nghiệp như Vietnam Angel Network, SHIELD, Global Shapers.
Khi phóng viên đặt câu hỏi: “Ông từng là Biên tập viên/Phóng viên của tờ TechinAsia, khởi nghiệp một số startup tại Việt Nam và được biết đến như người phụ trách truyền thông cho một doanh nghiệp đầu tư mạo hiểm tại Singapore. Do đó, ông có nhiều kinh nghiệm tương tác với các startup từ nhiều khía cạnh khác nhau. Lời khuyên của ông dành cho các startup để làm truyền thông tốt hơn là gì?”, ông Minh cho biết:
“Về mặt quan hệ công chúng, đặc biệt là đối với startup trẻ, hầu hết nếu không muốn nói là tất cả các startup đều không nên PR. Nhìn chung, cái chúng tôi nhìn thấy tại châu Á hiện nay là các starup đưa ra những chỉ số hơi quá, được nhấn mạnh quá mức trên truyền thông và báo chí bởi họ chẳng có nhiều câu chuyện.
Đối với rất nhiều người trẻ tuổi mà nói, việc xuất hiện trên truyền thông giống như một dạng thành công, nhưng tôi nghĩ rằng đó là thứ ảo tưởng và là một cách tiếp cận sai lầm. Tôi cho rằng nếu bạn là một nhà sáng lập startup và bạn còn rất trẻ, bạn thực sự chẳng nên PR làm gì. Đừng tham gia bất cứ cuộc phỏng vấn nào, thậm chí đừng viết blog, bạn chỉ nên tập trung vào sản phẩm mà thôi.
Hãy đối mặt với vấn đề về “BỘ MẶT”
Nếu bạn thành công, tất cả những gì bạn làm đều là đúng, nếu không thì PR sẽ trở thành một vấn đề lớn. Ở châu Á, nơi mà bộ mặt là một thứ quan trọng, bảo vệ được bộ mặt của mình thậm chí còn là điều tốt hơn.
Nếu bạn là một người khởi nghiệp thành công, một công ty như VNG, Garena, bạn có thể ra ngoài đó, bạn nên làm công tác truyền thống, hỗ trợ hệ sinh thái startup, truyền cảm hứng cho các startup khác.
Nếu bạn là một startup trẻ và thậm chí chưa tới 2 năm tuổi, bạn nên ngậm miệng, cúi đầu, phát triển sản phẩm của mình, phát triển nhóm của mình.
Bất cứ khi nào bạn thành công. Thành công đầu tiên đối với bạn chính là đạt đến điểm hòa vốn, có thể là được một chỉ số đánh giá hoạt động (KPI) nào đó. Nhưng chỉ số bạn đưa ra phải hợp lý, đúng không. Chỉ sau đó bạn mới nên tìm đến PR.
Bạn càng PR nhiều, bạn càng tạo nên nhiều kỳ vọng về chính bản thân. Bây giờ bạn đặt kỳ vọng về bản thân là một nhà lãnh đạo bằng suy nghĩ đặc biệt, và sau đó khi bạn thất bại, bạn sẽ không bao giờ là một nhà lãnh đạo bằng suy nghĩ nữa.
Kêu gọi vốn
Thế nhưng khi bạn ra ngoài kia và nghe những lời khuyên rõ ràng, kêu gọi được một khoản tiền lớn, hai hoặc ba triệu hoặc ít nhất nửa triệu. Khi bạn công bố điều đó, bạn nên công bố một cách cẩn trọng. Bạn cần phải lựa chọn đúng công ty truyền thông, lý tưởng là bạn lựa chọn tất cả các công ty truyền thông và cân nhắc, hầu hết startup không biết về điều này và họ chọn sai công ty truyền thông.
Khi startup lựa chọn nhầm công ty truyền thông, họ nâng tầm mình lên, họ nâng tầm họ lên một cách sai lầm. Lý tưởng là bạn lựa chọn càng nhiều công ty truyền thong càng tốt, sau đó bạn gửi thông cáo báo chí đến tất cả số này cùng một lúc, và họ sẽ viết các bài báo cùng một lúc, bạn sẽ có sức mạnh về truyền thông cũng như SEO.
Xác định mục đích của chiến dịch truyền thông
Thế nhưng thật thà mà nói, trước khi chuẩn bị PR, bạn cần nghĩ xem bạn sẽ đạt được gì với điều đó. Nếu bạn chuẩn bị tới một tờ báo, trừ khi họ là trang báo tiêu dùng, nếu không bạn sẽ chẳng có thêm được bao nhiêu người dùng. Nếu bạn muốn có thêm người dùng, và bạn muốn tin tức của mình được đăng trên TechinAsia, tất cả các độc giả của TechinAsia đều là những người làm công nghệ và nhà đầu tư, những người trong ngành công nghệ sẽ không phải là người dùng thực sự của bạn. Thế nên bạn cần nghiên cứu cẩn thận. Tôi nghĩ rằng đây là thứ rất nhiều startup còn thiếu”.
Khi được hỏi về xu hướng thương mại di động trong khu vực trong 5 năm tới, ông Minh chia sẻ:
“Alibaba và Amazon đang phóng đại môi trường thương mại điện tử tại Đông Nam Á. Một số công ty đang cố gắng chen chân vào thị trường thương mại điện tử như Carousell, Shopee, tôi nghĩ rằng vẫn còn rất sớm đối với thương mại điện tử, bởi các nhà đầu tư còn đang hơi thờ ơ với thương mại điện tử. Di động không phổ cập hoàn toàn, nó cũng không thống trị mảng này. Di động đang tăng trưởng nhanh chóng nhưng không phải là 90 hay 80% dân số đang dùng di động. Đó là một trò chơi lâu dài. Tôi thấy rằng những công ty nhiều tiền, tầm nhìn dài hạn, có thế mạnh về kỹ thuật và có kế hoạch vùng thì sẽ làm rất tốt. Và một số công ty ở địa phương cũng sẽ thành công. Bởi thương mại điện tử sẽ được bảo vệ bởi chính quyền địa phương”.
Với mạng lưới đặt tại Singapore, Đài Loan và Ấn Độ, Vertex Ventures Đông Nam Á và Ấn Độ là một phần của mạng lưới quỹ đầu tư mạo hiểm toàn cầu, dưới sự bảo trợ của công ty Vertex Ventures Holdings, một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm có thời gian hoạt động lâu nhất tại châu Á và là thành viên của Temasek Holdings. Ngoài ra, Vertex Ventures còn có chi nhánh tại Thung lũng Silicon, Trung Quốc và Israel. Ở châu Á, Vertex Ventures tập trung vào 3 lĩnh vực chính là Di động/Internet, “Thúc đẩy công nghệ” và Dịch vụ. Di động/Internet đóng góp một nửa số công ty được Vertex Ventures đầu tư.
Tại Vertex, ông Minh đảm nhận vị trí Giám đốc truyền thông, tập trung vào việc truyền thông quốc tế cho tất cả 5 quỹ và truyền thông bộ cho các đối tác, công ty truyền thông, truyền thông nội dung và lãnh đạo bằng suy nghĩ trong ngành công nghệ.
Theo: ICTNews Lê Kiên (Theo EcomEye)