TMĐT Việt Nam năm 2015 doanh số gần 4 tỷ USD

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  6,846
Cục TMĐT và CNTT thuộc Bộ Công Thương công bố, trong năm ngoái (2015), giá trị mua hàng trực tuyến của 1 người ước tính đạt khoảng 160 USD và doanh số TMĐT B2C đạt 4,07 tỷ USD.

Con số ước tính nêu trên được Cục TMĐT và CNTT đưa ra từ kết quả cuộc khảo sát Cục thực hiện trong năm 2015.

Với việc đạt khoảng 4,07 tỷ đồng, báo cáo cũng nêu rõ, doanh số TMĐT B2C của Việt Nam trong năm 2015 đã tăng 37% so với năm 2014, chiếm khoảng 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Mặc dù tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên đến nay quy mô thị trường TMĐT Việt Nam vẫn rất nhỏ bé so với thương mại điện tử của các nước như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc.

Cụ thể, năm 2015 Bộ Thương mại Mỹ công bố doanh thu bán lẻ trực tuyến của nước này tính đến quý 3/2015 đạt 251,9 tỷ USD. Còn theo thống kê và dự đoán của eMarketer, doanh thu TMĐT bán lẻ của Mỹ năm 2015 ước đạt khoảng 355 tỷ USD, chiếm khoảng 7,4% tổng doanh thu bán lẻ nước này.

Với Trung Quốc, theo báo cáo của eMarketer, doanh thu bán lẻ trực tuyến của nước này tính đến tháng 9/2015 ước đạt 672,01 tỷ USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2014 và chiếm khoảng 15,9% tổng doanh thu bán lẻ của Trung Quốc. Trong khi đó, một báo cáo khác về thị trường TMĐT Trung Quốc năm 2015 được iResearch công bố vào giữa tháng 10/2015 cho biết, số lượng người mua hàng trực tuyến năm 2015 ở nước này là 410 triệu người, tăng 13,4% so với 2014; doanh thu bán lẻ trực tuyến tăng từ 2,8 nghìn tỷ  Nhân dân tệ (khoảng 432,2 tỷ USD) năm 2014 lên 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 617,4 tỷ USD) trong năm 2015, chiếm 13,5% tổng doanh thu bán lẻ.

Còn tại Hàn Quốc, eMarketer dự đoán doanh thu bán lẻ TMDT của thị trường Hàn Quốc năm 2015 là 38,86 tỷ USD, chiếm 11,2% tổng doanh thu bán lẻ.

Liên quan đến dự báo về quy mô của thị trường TMĐT thời gian tới, hồi cuối tháng 1/2016, đại diện lãnh đạo Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) đã cho biết, cuối năm 2015, hãng nghiên cứu thị trường Ken Research đã đưa ra dự đoán quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2019 sẽ đạt 7,5 tỷ USD.

Tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết, xem xét TMĐT một cách toàn diện, gồm giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng B2C, giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp B2B, giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp G2B và các loại hình khác, nhất là sự phát triển của công nghệ đã hậu thuẫn mạnh mẽ cho loại hình giao dịch giữa người tiêu dùng với người tiêu dùng C2C, trong Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử 5 năm từ 2016 - 2020 đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và VECOM đề xuất con số lạc quan hơn, đó là đến năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam.

Cũng theo Báo cáo TMĐT Việt Nam năm 2015 mới được công bố, kết quả khảo sát tình hình ứng dụng TMĐT trong cộng đồng được Cục TMĐT  và CNTT thực hiện năm ngoái với sự tham gia của 967 cá nhân có truy cập Internet trong phạm vi cả nước cho thấy, 62% số người truy cập  Internet đã từng mua hàng trực tuyến, tăng 4% so với năm 2014. Loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến phổ biến nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (64%). Tiếp theo là đồ công nghệ và điện tử (56%); thiết bị đồ dùng gia đình (49%); sách, văn hòng phẩm, hoa, quà tặng (42%)… 

 

Kết quả khảo sát cho thấy, hình thức mua hàng trực tuyến qua website bán hàng hóa, dịch vụ được lựa chọn nhiều nhất với 76% người trả lời cho biết đã từng mua hàng bằng hình thức này; tỷ lệ từng mua hàng qua các diễn đàn, mạng xã hội tăng từ 53% năm 2014 lên 68% năm 2015. Phần lớn người mua hàng trực tuyến vẫn chọn hình thức thanh toán tiền mặt với 91% đối tượng khảo sát cho biết có sử dụng phương thức này, tiếp theo phương thức chuyển khoản qua ngân hàng với 48%, 20% người tham gia khảo sát cho biết từng sử dụng thẻ thanh toán.

Nguồn: ICTnews

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request