"NIỀM TIN" bài toán chưa có lời giải cho thương mại điện tử Việt Nam

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  3,986
Thương mại điện tử Việt Nam thời gian gần đây phát triển khá mạnh mẽ thế nhưng "Niềm tin" đang là vấn đề nan giải.
Hôm qua, ngày 7/6/2017, tại TP.HCM, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) đã phối hợp cùng Công ty cổ phần VNG, Công ty cổ phần Adpex tổ chức hội thảo ICT COMM về chủ đề “ICT với Pháp lý & Marketing trực tuyến”. Hội thảo được tổ chức giúp cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) có được cái nhìn toàn cảnh về tình hình phát triển và xu hướng TMĐT tại Việt Nam trong năm 2017.
 
Thu hút hơn 200 chủ doanh nghiệp từ các DNVVN đang hoạt động tại TP.HCM và sự tham gia của các diễn giả là những chuyên gia tên tuổi trong nhiều lĩnh vực liên quan đến CNTT của các tập đoàn và doanh nghiệp hàng đầu như Microsoft, IM Group, VNG, P.A Việt Nam, Verisign..., hội thảo chuyên đề “ICT với Pháp lý & Marketing trực tuyến” đem đến cơ hội cho các doanh nghiệp được gặp gỡ và trao đổi với các chuyên gia để kịp thời điều chỉnh định hướng cho chiến lược kinh doanh phù hợp với những thay đổi trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật số, các vấn đề pháp lý trong kinh doanh TMĐT cũng như cập nhật về các phương thức thanh toán mới.
 
Theo Nielsen, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về lượng người yêu thích sản phẩm công nghệ. Kết quả khảo sát trong năm 2016 cho biết 90% người dân thành thị sử dụng smartphone và truy cập Internet 24,7 giờ trung bình mỗi tuần, con số này chỉ thấp hơn Singapore. Theo kế hoạch phát triển TMĐT trong giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và sẽ đạt khoảng 10 tỉ USD vào năm 2020. Tuy vậy, trên thực tế, TMĐT trong lĩnh vực bán lẻ sẽ phát triển nhanh hơn và được dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 25% trong năm 2017.
 
 
Các diễn giả chia sẻ về xu hướng TMĐT và trả lời các thắc mắc của doanh nghiệp tại hội thảo ICT COMM Việt Nam 2017 chủ đề “ICT với Pháp lý & Marketing trực tuyến”.
Mặc dù TMĐT Việt Nam được nhận định là có nền tảng để phát triển mạnh song các chuyên gia cũng cho rằng vẫn còn rào cản để TMĐT nước nhà phát triển bền vững, đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng, hàng hoá, dịch vụ khi họ mua sắm trực tuyến và tính bảo mật khi thanh toán trên mạng.
 
 
Trên thực tế, TMĐT vẫn chưa có được niềm tin của người tiêu dùng khi tranh chấp trong hoạt động mua bán trực tuyến vẫn thường xuyên xảy ra trong thời gian qua với các nguyên nhân chủ yêu như hình ảnh sản phẩm bên ngoài không giống như quảng cáo, giao hàng không đúng hẹn, không có hoá đơn… Do đó, Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) đang nỗ lực để TMĐT ngày càng minh bạch hơn và nếu có tình trạng kinh doanh không lành mạnh, các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể khiếu nại lên Cục TMĐT và CNTT để được hỗ trợ xử lý.
 
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch  Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định, TMĐT điện tử của Việt Nam đã phát triển nhanh trong vòng 10 năm qua nhưng quy mô thị trường không lớn và quy mô giao dịch còn nhỏ. Các doanh nghiệp bán lẻ cần đẩy mạnh khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, giao nhận hàng hóa và tích hợp tính năng thanh toán trực tuyến trên trang web bán hàng.
 
“Các doanh nghiệp cần theo sát những xu hướng TMĐT mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Trong đó, việc xây dựng danh tiếng và sự tín nhiệm cho thương hiệu là điều tiên quyết để tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp kinh doanh dựa trên TMĐT thì việc lựa chọn một tên miền phù hợp là bước đầu tiên để xây dựng một hiện diện trực tuyến tin cậy trong mắt khách hàng, qua đó, doanh nghiệp có thể bảo đảm thành công”, ông Liên cho biết.
 
Ông Nguyễn Văn Học, Giám đốc Chi nhánh phía Nam Công ty P.A Việt Nam chia sẻ: “Để có sự hiện diện trực tuyến mạnh mẽ, doanh nghiệp cần xậy dựng một website thành công với một tên miền phù hợp. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp muốn vươn ra toàn cầu, tên miền .com luôn là một tên miền đáng tin cậy nhờ tính sẵn có, độ tín nhiệm và độ ổn định cao của tên miền này trong hơn 18 năm qua”.
 
Tại sự kiện này, đại diện VNG đã cập nhật xu hướng thanh toán dùng QR code. Với tiện ích đem lại cho thời đại công nghệ số đang phát triển hiện nay như: thanh toán an toàn, không cần tiền mặt hay thẻ ngân hàng, tiết kiệm thời gian, đơn giản thủ tục..., thanh toán dựa trên nền tảng QR Code đặc biệt hữu ích với các dịch vụ - ngành nghề như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhà hàng, quán ăn… Doanh nghiệp này đang đầu tư phát triển cho ứng dụng thanh toán bằng QR code thông qua sản phẩm Zalo Pay, sản phẩm đã ra mắt thị trường vào cuối năm 2016.
 
Đại diện VNG cho biết thêm: “Đồng hành với hình thức thanh toán bằng QR code, bộ phận IoT của VNG đang triển khai các giải pháp thanh toán tiện lợi áp dụng tại các địa điểm như: bãi xe, trạm thu phí giao thông, bệnh viện, trường học”. 

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request