6 website thương mại điện tử xây dựng nên Alibaba hôm nay

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  6,338
Chúng ta biết đến Alibaba là một website TMĐT số một Trung Quốc và có vị thế trên thế giới. Alibaba vừa công bố mức tăng trưởng dự tính của tập đoàn này trong năm tài chính 2018 với con số đáng kinh ngạc (49%). Vậy liệu chỉ với alibaba.com có làm nên tên tuổi như hôm nay không?
Như chúng ta đã biết, thương mại điện tử là trụ cột quan trong nhất của gã khổng lồ này. Chỉ riêng trong quý trước, bộ phận thương mại điện tử đã đem về 4,6 tỉ USD trong tổng số 5,2 tỉ USD doanh thu của toàn tập đoàn. Nhưng khác với Amazon, bộ phận thương mại điện tử của Alibaba phức tạp hơn nhiều so với những gì chúng ta biết. Dưới đây là 6 website thương mại điện tử quan trọng góp phần tạo nên doanh thu khổng lồ cho Alibaba.  
 

Alibaba.com

 
Được Jack Ma khai sinh vào năm 1999, Alibaba.com là một website với các thành viên chủ yếu là các nhà sản xuất, các công ty thương mại và nhà trung gian bán buôn. Nói cách khác, nó giúp các công ty xuất khẩu lớn của Trung Quốc làm ăn với đối tác nước ngoài. Doanh thu và tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên Alibaba.com không được công bố cụ thể trong bản báo cáo tài chính nhưng đây chắc chắn là nguồn thu lớn nhất và quan trọng nhất của tập đoàn này.
 
 
Giao diện của Alibaba

Taobao.com

 
Nếu Alibaba.com là chợ đầu mối bán buôn thì Taobao là một “khu chợ cho các tiểu thương”. Ra đời vào tháng 5/2003, website này hiện là trang bán hàng online lớn nhất Trung Quốc, chủ yếu dành cho các cá nhân và công ty kinh doanh nhỏ.  Tuy nhiên, website này chỉ hoạt động trong quy mô nội địa và vẫn chưa có phiên bản tiếng Anh.
 
 
Taobao thống trị thị trường thương mại điện tử nội địa của Trung Quốc. 

Tmall.com

 
Tmall.com ra đời vào tháng 4/2008 trên nền tảng Taobao, là nơi các công ty lớn tiếp cận và chào bán sản phẩm cho mọi đối tượng khách hàng. Tháng 2/2014, Alibaba giới thiệu phiên bản quốc tế của website này mang tên Tmall Global, là nơi để các thương hiệu nước ngoài tìm kiếm và tiếp cận thị trường bán lẻ trên mạng của Trung Quốc. Đến tháng 3/2017, 75% thương hiệu trong Top 100 thương hiệu đáng giá nhất toàn cầu theo xếp hạng của Forbes đều đã tham gia Tmall. Trong năm tài chính 2017, tổng giá trị hàng hóa giao dịch trên Tmall tăng 29%, đạt mức 227 tỉ USD.
 
 
Tmall với biểu tượng hình chú mèo rất dễ thương. 

1688.com

 
Đây là website chuyên dành cho khối thương nghiệp ra đời vào tháng 3/2010. Tính đến hết quý 1/2017, doanh thu của Alibaba từ khối thương nghiệp tại thị trường nội địa tăng 36%, đạt 213 tỉ USD nhờ ngày càng có nhiều thành viên trả phí tham gia vào nền tảng này.
 
1688.com với ứng dụng trên thiết bị di động

AliExpress.com và Lazada.com

 
Ra đời cùng năm và là phiên bản quốc tế của 1688.com, AliExpress.com là nơi các công ty Trung Quốc giao dịch các sản phẩm của mình với thị trường nước ngoài. Lazada.com được khai sinh bởi Rocket Internet (Đức) vào năm 2012 với mục đích nhắm vào thị trường các nước Đông Nam Á, nhưng vào tháng 4/2016, Alibaba đã bỏ ra 1 tỉ USD để mua cố phiếu và dành quyền kiểm soát công ty này. Số tài khoản người mua trên AliExpress và Lazada tính đến tháng 3/2017 đã lên tới con số 83 triệu, đem về cho Alibaba 1,1 tỉ USD.
 
Lazada đã bị Alibaba mua lại từ rất sớm. 
Như vậy, với chiến lược phát triển nhiều nền tảng, mỗi nền tảng phục vụ một đối tượng khác nhau, Alibaba không hề gặp khó khăn khi thâu tóm được hơn 80% thị trường thương mại điện tử tại quốc gia đông dân nhất thế giới và trở thành công ty thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu. 
Nguồn: ictnews

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request