Hiện tại ở Việt Nam có 30% trong số những người dân được khảo sát chọn mua hàng trực tuyến là lựa chọn số một và con số này tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. Công ty phân tích thị trường cho rằng Việt Nam mất khoảng 3 năm nữa để vào nhóm các nước như Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông,… về thương mại điện tử
Tại các nước phát triển ở Châu Âu như Anh, Na Uy, Đan Mạch,… khi người dân có nhu cầu mua một món hàng gì đó thì họ đều nghỉ tới đầu tiên là mua hàng qua mạng, tức ít nhất phân nửa số người được khảo sát đều chọn
thương mại điện tử như hình thức mua hàng mặc định. Singapore là nước Đông Nam Á duy nhất cũng nằm trong nhóm này, theo báo cáo của Kantar TNS.
Việt Nam nằm trong nhóm khởi đầu, tức đang trong giai đoạn hướng dẫn người dân mua hàng online, cùng nhóm với các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Thái Lan, Philippines, Mexico… Trong nhóm này, khoảng dưới 30% người chọn thương mại điện tử như hình thức mua sắm chính.
(Ông Ashish Kanchan, Tổng giám đốc công ty phân tích thị trường Kantar TNS Việt Nam)
Ông Ashish Kanchan, Tổng giám đốc công ty phân tích thị trường Kantar TNS Việt Nam, cho biết Việt Nam có tốc độ phát triển thương mại điện tử rất nhanh, vượt qua các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Philippines.
Theo đà này, trong khoảng 3 năm nữa Việt Nam sẽ lọt vào nhóm thứ hai - thương mại điện tử thịnh hành, ông Ashish dự báo. Trung Quốc, Mỹ, Hồng Kông,… là các nước đang nằm trong nhóm này.
Nhìn biểu đồ được ông Ashish công bố trong hội thảo Creative Commerce do Isobar và Lazada tổ chức hôm qua 25/5, có thể thấy thương mại điện tử phát triển không theo địa lý hay quy mô nền kinh tế. Hồng Kông, Ý, Slovakia là các nước phát triển hơn so với Mỹ, Pháp, Trung Quốc, mặc dù chênh lệch không lớn. Đặc biệt, Malaysia xếp trên nhiều quốc gia khác và tiến đến nhóm phát triển mạnh nhất về thương mại điện tử, nơi Singapore đang nằm trong nhóm.
Trong báo cáo của Kantar TNS, mặc dù người Việt sở hữu thiết bị thông minh ít hơn các nước mới nổi ở châu Á và so với toàn cầu (tỷ lệ lần lượt là 2,5 – 2,7 – 2,8) nhưng thời gian dành cho các thiết bị này không kém cạnh.
Người Việt dùng khoảng 67% thời gian trên các phương tiện truyền thông số, chỉ 33% dành cho phương tiện truyền thống. Tỷ lệ này tương đương các nước mới nổi tại châu Á và cao hơn thông kê trên toàn cầu. Thời gian người Việt dành cho điện thoại và tablet chiếm khoảng 75%, thấp hơn mức trung bình của các nước mới nổi châu Á (77%), thời gian còn lại dành cho máy tính.
Xét về độ tương tác của khách hàng trên mạng xã hội, nói trước khán giả là các nhà tiếp thị đến từ nhiều công ty tại Việt Nam, ông Ashish cho biết người tiêu dùng tại đây rất năng động, gấp đôi so với các nước mới nổi tại châu Á. Chẳng hạn, người dùng trên mạng xã hội sẵn sàng bày tỏ quan điểm, phản hồi, chia sẻ,… đối với các nội dung nhìn thấy trên mạng xã hội.
Khi nghiên cứu về các hoạt động trên mạng của người dùng, Việt Nam chỉ có khoảng 4% người dùng thời gian của mình cho các hoạt động ngân hàng điện tử (internet banking), thấp hơn rất nhiều so với nhóm các nước châu Á và so với toàn cầu, lần lượt là 12% và 39%. Trong khi đó, người Việt dành nhiều thời gian cho mạng xã hội, đọc báo online, chơi game trên điện thoại nhiều hơn so với trung bình.
91% người Việt dùng thời gian cho mạng xã hội (bao gồm cả video), so với 87% ở châu Á và 81% toàn cầu. 88% người được khảo sát dành thời gian cho đọc báo trên mạng, so với 57% ở châu Á và 67% trung bình. Về chơi game trên điện thoại, 68% người dùng Việt dành thời gian cho hình thức giải trí này, so với 60% và 49% châu Á và toàn cầu.
Nói với các nhà tiếp thị, ông Ashish cho rằng cơ hội dành cho các nhãn hàng khi tiếp cận khách hàng Việt Nam trên mạng cần tập trung vào video, game online và mạng xã hội – những nội dung được nhiều người quan tâm như nói trên.
Nguồn: ICTNews