Tại Ấn Độ, Doanh nghiệp phần mềm sợ nhận dự án công

Endy Hoàng
Đăng bởi
Endy Hoàng
  5,112

Tại Ấn Độ các doanh nghiệp đang tránh né các dự án chính phủ vì khi nhận họ gặp nhiều phiền hà như: Thanh toán chậm, thiếu thông tin về kế hoặc phát triển ....

Tại Ấn Độ các doanh nghiệp đang tránh né các dự án chính phủ vì khi nhận họ gặp nhiều phiền hà như: Thanh toán chậm, thiếu thông tin về kế hoặc phát triển ....

Mới đây, hãng Infosys đã chọn phương án không tham gia đấu thầu vào một dự án trị giá 2 tỷ rupee (gần 700 tỷ đồng) để tin học hoá Toà án Phục hồi Nợ. Các lãnh đạo của Infosys cho biết họ quyết định bỏ qua dự án này bởi họ muốn có một kế hoạch đầu tư rõ ràng hơn và một lộ trình thực thi cụ thể.

Không chỉ thế, báo chí Ấn Độ còn cho biết một kế hoạch khác của cơ quan quản lý viễn thông Ấn Độ nhằm xây dựng một cơ sở kiểm nghiệm tính an ninh của các thiết bị viễn thông cũng không thể thực hiện do thiếu các chương trình chi tiết liên quan đến kinh phí và các cột mốc thực hiện dự án. Những cột mốc này rất quan trong vì chúng thường liên quan đến các thời hạn thanh toán.

Hiện nay, Infosys, một công ty CNTT lớn của Ấn Độ, đang tìm cách tăng cường mảng kinh doanh trong lĩnh vực khách hàng tư nhân, để giảm bớt sự phụ thuộc vào các hợp đồng lớn với các cơ quan chính phủ. Chiến lược của công ty là nhắm tới các giao dịch nhỏ hơn từ các công ty tư nhân để gặt hái lợi nhuận cao hơn.

“Chúng tôi nhận thấy phần lớn doanh thu của chúng tôi vẫn đến từ khu vực công," C.N. Raghupathi, giám đốc kinh doanh tại Ấn Độ của Infosys, cho biết. Tuy nhiên, với tình hình hiện nay, “Infosys phải mở rộng danh mục đầu tư vì không muốn giữ tất cả trứng vào một giỏ”.

Định hướng trên của Infosys cũng tương tự như các công ty CNTT lớn khác của Ấn Độ là TCS và Wipro. “Hầu hết các hãng CNTT lớn của Ấn Độ ngày nay trở nên rất thận trọng và chỉ tham gia vào những dự án được tài trợ đầy đủ, có tầm nhìn rõ ràng và có thể thanh toán, chi trả đúng hạn”, Rohtin Bhattacharya, phó chủ tịch chiến lược tập đoàn của hãng HCL Infosystems nói. “Chúng tôi từng phải đối mặt quá nhiều với tình trạng các cơ quan chính phủ chậm chạp, trì hoãn thanh toán và luôn phải cố gắng hết sức mới lấy được tiền từ các dự án chính phủ”.

Ông nói chiến lược của công ty hiện tập trung vào các đối tượng khách hàng không thuộc cơ quan chính phủ và đang dần mở rộng danh mục đầu tư sang các lĩnh vực tư nhân. Mặc dù vậy, Bhattacharya nhấn mạnh mảng dự án chính phủ vẫn mang về khoảng 1 tỷ USD doanh thu cho HCL, trong khi mảng khách hàng tư nhân chỉ tạo ra chưa đến 1/3 mức doanh thu này, đạt khoảng gần 30 triệu USD.

Theo các dự đoán của hãng nghiên cứu Gartners, chính phủ Ấn Độ dự kiến sẽ chi khoảng 6,9 tỷ USD vào các dự án CNTT trong năm nay, tăng 10,5% so với năm ngoái. Mức chi phí này bao gồm các dịch vụ CNTT nội bộ, chi phí cho các nhân sự thuộc ngành CNTT, cho phần cứng, phần mềm và dịch vụ CNTT bên ngoài và các dịch vụ viễn thông. Hãng Tata Consultancy Service và IBM được cho là những công ty chiếm lĩnh thị phần dự án chính phủ lớn.

Với việc các cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ra trong năm 2014 tại Ấn Độ, các nhà quan sát cho rằng hầu hết các dự án CNTT lớn sẽ bị đình trệ hoặc diễn ra với tốc độ chậm rãi.

Một lãnh đạo cấp cao giấu tên của hãng IBM cho biết tình trạng chậm trễ trong thanh toán đã trở thành một vấn nạn “cấp tính” do các quan chức chính phủ lo ngại về hoạt động kiểm toán sẽ diễn ra chặt chẽ, nghiêm ngặt hơn sau khi các scandal tham nhũng, hối lộ lớn gần đây bị phanh phui. “Do tình trạng thanh toán chậm trễ và gặp nhiều vướng mắc, các Giám đốc tài chính của các công ty CNTT lớn đang yêu cầu ban giám đốc không tham gia đấu thầu vào các dự án chính phủ, vì họ nhận thấy có quá nhiều rủi ro từ những góc độ dòng tiền”, lãnh đạo IBM nói.

Nguồn ICTNews

Bài viết cùng mục

Những bài viết dưới đây có thể bổ ích cho nội dung bạn vừa đọc ở trên. Hãy khám phá thêm.

Mục lục
Zalo messenger request